Johnny Trí Nguyễn chuyển nghề… dạy võ

ANTĐ - Sau một thời gian khởi nghiệp tại quê nhà, diễn viên điện ảnh Johnny Trí Nguyễn cùng gia đình đã quyết định mở võ đường Liên Phong - đây sẽ là nơi anh luyện tập võ thuật, huấn luyện võ thuật cho các diễn viên cũng như chiêu sinh luyện võ tự do để truyền bá môn phái Liên Phong Quyền do ông của anh sáng tạo. Johnny Trí Nguyễn cũng hy vọng sẽ đào tạo ra những người có thể vừa tập võ để khỏe mạnh vừa tạo “nguồn” cung cấp diễn viên cho phim hành động Việt Nam.   

- Nhiều khán giả yêu mến Johnny Trí Nguyễn chắc chắn sẽ rất bất ngờ khi biết rằng anh được sinh ra trong một gia đình võ thuật?

- Truyền thống võ thuật được bắt nguồn từ thời ông cố nội tôi, ông là một võ sĩ rồi truyền lại cho ông nội. Nhưng đến giai đoạn đó ông nội tôi đã đi và học tập được rất nhiều bài quyền và thế võ của nhiều sư phụ ở khắp miền Nam Việt Nam, sau này ông đúc kết và chắt lọc lại những tinh túy để dạy cho các con cũng như môn đệ của mình. 

- Khi ấy ông nội anh còn nổi tiếng đến mức được mệnh danh là “Nhạn trắng Cà Mau”, nhưng cái tích đó thì không phải ai cũng biết? 

- Thời đó thuyền bè thường không có mấy, ông nội tôi có một cái thuyền máy, người ta thường phải thuê cái đầu thuyền máy kéo từ dưới quê lên Sài Gòn để buôn hàng rồi kéo xuống Cà Mau. Đã tham gia buôn bán, kinh doanh thì có rất nhiều đối thủ cạnh tranh mà trong đó có rất nhiều giang hồ máu mặt. Lúc đó ông nội tôi cũng rất giỏi võ, tuy nhiên khi xưa đánh nhau rất nguy hiểm, vì vậy ông nội tôi đã đeo sắt từ bàn tay đến khuỷu tay, đi ra đường thì mặc một bộ áo bà ba trắng dài tay để che đi miếng sắt ở tay lại. Thế là sau nhiều cuộc tỉ thí, các sát thủ, giang hồ đều thất bại dưới tay ông nội tôi hết mà không hề biết ông nội tôi đeo sắt ở trong người mà chỉ truyền tai nhau rằng chém ông này không đứng. Từ đấy các cao thủ đặt cho ông cái tên “Nhạn trắng Cà Mau” là tự bộ bà ba trắng mà ra.  

- Võ đường Liên Phong là giấc mơ của anh, vậy hành trình đi từ giấc mơ tới hiện thực đã phải trải qua những khó khăn thế nào?

- Có hai niềm đam mê trong cuộc sống của tôi là võ thuật và điện ảnh. Từ trước đến nay tôi đã có nhiều dịp thể hiện khả năng của mình trong lĩnh vực điện ảnh, còn võ thuật chỉ đơn thuần học hỏi và luyện tập. Và từ một suy nghĩ “À, lớn lên phải có một võ đường!” cũng không phải là một ước mơ xa xôi lắm đâu. Tất cả đều bắt đầu từ một chữ duyên để mình có thể đạt được ước nguyện đó, đến khi bắt đầu thì mọi thứ đều may mắn, hòa hợp vào nhau. Cha mẹ tôi mua mảnh đất mà giờ đây tôi mở võ đường Liên Phong cũng lâu lắm rồi, phải đến vài chục năm trước để sau này về nước dưỡng già, nhưng sau cha mẹ tôi quyết định ở lại Mỹ nên mảnh đất này chưa biết làm gì thì tôi xin cha mẹ cho xây dựng võ đường… 

- Vậy Liên Phong Quyền có gì đặc biệt so với những môn võ khác?

- Võ Liên Phong là sự kết hợp, chắt lọc những tinh túy từ thời ông nội tôi; ông đã đi và thấy những đòn thế nào hiệu quả, áp dụng một cách dễ dàng, tập luyện một cách nhanh nhất. Tới tôi cũng vậy, đã từng học nhiều môn võ và thấy những đòn nào hữu hiệu mà mình có thể kết hợp với nhau để làm cho nó đầy đủ phương diện hơn - có nghĩa là có những môn võ thiên về phương diện chiến đấu như Judo, đấm đá của Taekwondo thì Liên Phong kết hợp những cái hay của mỗi môn võ lại để tạo ra một thứ tròn trịa, lợi ích, đầy đủ phương diện chiến đấu. 

- Anh có thể chỉ dạy cho tôi một vài đường cơ bản của Liên Phong được không vậy?

- Cơ bản thì dễ, nhưng ngay tại quán café này hả (?!) (Cười lớn) 

- Vậy theo anh người đàn ông của võ thuật sẽ là người như thế nào?

- Theo tôi khi luyện tập võ thuật một thời gian, người đàn ông bước ra cuộc đời sẽ vơi bớt đi rất nhiều sự nóng nảy, những bức xúc, giận hờn, ghen ghét trong con người mình bởi lẽ mình đã bung ra hết khi luyện tập trong võ đường rồi.

- Võ thuật đã tạo nên một Johnny Trí Nguyễn thế nào?

- Khi còn nhỏ tôi cũng rất nóng tính, thẳng thắn nhìn nhận đôi khi rất lười biếng, ngại khó; nhưng càng lao vào tập võ tôi dần thấy tất cả những khuyết điểm của bản thân dần mất đi. Lý do cũng hết sức đơn giản bởi ngày nào vào võ đường luyện võ cũng có một thế võ mới, khó buộc mình phải vượt qua hoặc phải làm được. Sự rèn luyện đó đã tạo cho con người tôi sự kiên trì mà sau này giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống. Khi phải đối diện với bất cứ điều gì, tôi thấy mình không ngại khó khăn và biết cách đối diện với nó một cách rất nhẹ nhàng. 

- Tôi biết võ đường Liên Phong lập ra dự định sẽ thu nhận một số trẻ mồ côi để anh huấn luyện võ thuật?

- Võ đường Liên Phong dự định sẽ tuyển chọn khoảng 30 em mồ côi và sinh ra trong những gia đình nghèo. Chương trình của chúng tôi hoàn toàn miễn phí, tuyển các em theo năng khiếu, sự tiếp thu và đặc biệt là tư cách đạo đức. Hiện nay chương trình đang trong quá trình kêu gọi tài trợ bởi các em cũng cần rất nhiều thứ về vật chất trước khi bước vào luyện tập. 

- Nhưng cũng phải chia sẻ với nhau một sự thật thế này, có những người luyện võ để giúp ích cho bản thân, cuộc sống nhưng cũng có không ít người sử dụng võ thuật như một vũ khí lợi hại?

- Tôi có một người bạn học võ bên Mỹ, anh ta là một võ sĩ rất giỏi và từng đi thi đấu trong quân đội. Anh ta nói hai cánh tay và đôi chân của anh ta có thể tương đương với hai cây súng ở cự ly ngắn đủ để thấy được sự nguy hiểm của võ thuật. Thực tế luyện võ sẽ biến một người trở thành một thứ vũ khí rất lợi hại nhưng anh bạn tôi lại không dám đánh ai bởi vì anh ta thấy bản thân mình có trách nhiệm với thứ vũ khí mà mình đang có bởi đã phải khổ luyện hơn chục năm trời. Võ thuật hay ở chỗ qua một thời gian dài rèn luyện con người ta học được cái lễ, cái đức sẽ đi cùng mãi với võ đạo. Còn người học võ với mục đích xấu thì chỉ là những người mới tập võ thôi, họ chưa hấp thụ được tinh thần võ sĩ đạo - đó là không bao giờ muốn đánh với một người yếu hơn mình. 

- Vậy trên cương vị là một sư phụ, anh xử trí ra sao khi võ sinh của mình vi phạm đạo đức võ học? 

- Ngày xưa học môn Văn, mỗi khi tôi làm cái gì sai thì luôn bị thầy bắt viết trên bảng, hoặc bắt viết đi viết lại một điều gì đó rất dài. Trong võ thuật cũng vậy, nó được bắt đầu từ những lỗi rất nhỏ chứ không phải đợi đến những lỗi lớn mới bị xử lý. Ngay tại võ đường, những lỗi nhỏ vừa xảy ra ngay lập tức sẽ có những hình thức xử phạt để giúp cho các võ sinh thoát ra khỏi hung khí, làm sao để các em nhìn nhận và thực tâm hối cải. 

- Anh trò chuyện về võ thuật say sưa đến mức giờ tôi mới hiểu sao anh lại thích tham gia vào những bộ phim hành động võ thuật! 

- Võ thuật và điện ảnh là hai niềm đam mê lớn nhất khiến tôi lúc nào cũng muốn theo đuổi. Khi đang đóng phim tôi thấy vui, khi nào phim ngừng tôi tập võ, hai cái đó cứ kết nối, quện lại với nhau. (Cười)

- Anh cũng thông minh đấy chứ khi tận dụng tối đa sở trường của cái này để bổ trợ cho cái kia? 

- Tôi may mắn khi học được nhiều thế võ của nhiều môn phái. Thường thì mỗi bộ phim tôi đều áp dụng vào trong đó một phong cách võ thuật khác nhau. Đơn cử như “Dòng máu anh hùng” có một phong cách võ thuật mang tính cổ truyền, “Bẫy rồng” lại khác khi mang tính hiện đại, mình phải áp dụng theo kịch bản, theo thời đại của bộ phim. Nếu mà nói áp dụng hết những sở trường thì tôi xin khẳng định là chưa.

- “Dòng máu anh hùng” là bộ phim đánh dấu bước ngoặt trong điện ảnh của anh; vậy vai Cường trong phim đã phải là vai diễn anh ưng ý nhất? 

- Khi viết ra kịch bản bộ phim tôi cũng viết ra một nhân vật gần gũi với bản thân mình, đó là một người đi học ở nước ngoài rồi về Việt Nam, khám phá văn hóa-đất nước-con người, rồi yêu một cô gái Việt Nam - Tất cả những cái đó khá gần gũi với tôi ngoài đời. Tới khi góp sức trong bộ phim đó từ khâu viết kịch bản, sản xuất, đạo diễn hành động đã biến tôi trở thành một người không chỉ đóng phim đó mà cùng chung sức thực hiện bộ phim với những người anh em khác, đó là bộ phim bỏ nhiều công sức lẫn tâm huyết nhất của tôi. 

- Trong thời gian ở Hollywood anh là một diễn viên đóng thế, anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân với nghề cascader không?

- Làm nghề cascader ở bên Mỹ giúp tôi có nhiều cơ hội tham gia nhiều bộ phim từ điện ảnh độc lập tới phim truyền hình, từ những bộ phim ít tiền đến những bộ phim đắt tiền nhất tại thời điểm đó là phim “Người nhện” (Spider Man). Qua những kinh nghiệm đó tôi học hỏi và đúc rút được rằng đây là một nghề buộc phải rèn luyện kỹ thuật, kỹ năng, tính toán để có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, mặc dù đó là một pha rất nguy hiểm, nhưng không phải cứ liều lĩnh để làm mà phải làm sao có sự nhanh nhẹn xử lý sự nguy hiểm đó, biến sự nguy hiểm thành an toàn, dù không thể 100% nhưng phần bị thương ở tỉ lệ nhỏ có thể chấp nhận được. 

- Vậy tạo sao anh lại chọn nghề nguy hiểm để khởi nghiệp, bởi có nhiều con đường dẫn tới Hollywood?

- Có thể cái nghề cascader nó ghép hai niềm đam mê của tôi lại một cách rất gọn gàng. Một bên là võ thuật, một bên là điện ảnh, thì cascader nó ăn khớp với nhau. Trước kia hai niềm đam mê đó hoàn toàn riêng biệt, ban đêm đi tập võ, ban ngày đi làm điện ảnh, một thời gian sau tôi có cơ hội được làm cascader một cách chuyên nghiệp cho một bộ  phim truyền hình, sau mới thấy nghề cascader rất là vui, nó vui cực kỳ… (Cười lớn) 

- Anh đã từng chia sẻ rằng “Dòng máu anh hùng” là một sự đánh cược của gia đình anh?

- Có nghĩa là mỗi người trong gia đình tôi đều bỏ ít nhiều một số vốn vào bộ phim này. Điện ảnh không ai biết trước và có thể chắc chắn nói rằng đây sẽ là một bộ phim thành công, lúc nào cũng có những sự rủi ro nhất định bởi điện ảnh là một sự kinh doanh rất đặc biệt, có thể lãi gấp đôi, gấp ba hoặc nhiều hơn thế nhưng cũng có thể thua lỗ. Gia đình tôi ai cũng thích nghệ thuật, yêu điện ảnh và võ thuật mà, (Cười) nên cũng rất dễ bị thuyết phục. 

- Mà anh cũng tài thật khi nay phim này đóng vai hành động, mai nhảy phim khác đóng ngay vai hài? 

- Là một người diễn viên thì không thích đóng mãi một thể loại phim hay vai diễn đâu, thích đóng đa dạng, nay đóng phim này mai đóng nhân vật khác, đóng càng xa với bản chất thật của mình thì càng thấy thú vị, thấy mình càng được thử thách.

- Cảm ơn và chúc anh thành công!