J-31 của Trung Quốc xuất hiện khiến chuyên gia Nga "ngứa mắt"

ANTĐ - Giới chuyên gia quân sự Nga đã có những bình luận không vui vẻ gì trước sự xuất hiện của J-31, mẫu thứ hai tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc.

Điển hình trong các ý kiến này là bài viết của tác giả Ilya Kramnik, đăng trên trang mạng vz.ru.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Trung Quốc đã khiến cả thế giới ngạc nhiên bằng chiếc tiêm kích thế hệ mới. Nhưng điều khiến chiếc tiêm kích này nổi tiếng hơn là nó có quá nhiều điểm giống với những mẫu tiêm kích tương tự của Nga và Mỹ.

Những thông tin cụ thể về loại máy bay này vẫn chưa được tiết lộ, tuy nhiên nhìn vào hình dáng, thì đây là một chiếc tiêm kích 2 động cơ với kích cỡ tương tự MiG-29 và F-16. Máy bay cũng sử dụng công nghệ tàng hình với hệ thống vũ khí được giấu trong khoang. Bề ngoài máy bay khá giống với tiêm kích F-35 của Mỹ, ngoại trừ động cơ (F-35 chỉ dùng một động cơ).
Hiện chưa có khả năng chế tạo ra loại động cơ có sức kéo cần thiết, các kỹ sư Trung Quốc buộc phải sử dụng sơ đồ 2 động cơ. Tiêm kích có thể sử dụng động cơ RD-93 của Nga, hoặc (khả năng này là rất nhỏ) sử dụng một động cơ nội địa tương tự WS-13.
Nhìn chung , cũng giống như J-20, chiếc tiêm kích thế hệ mới của Trung Quốc được tạo nên bởi công nghệ “vay mượn” từ nước ngoài, cũng giống như việc chế tạo J-11, một sản phẩm “ăn cắp” công nghệ Su-27SK trắng trợn.
Với J-31, Trung Quốc đã có hai mẫu tiêm kích thế hệ thứ năm. Trong khi đó, nước Nga mới chỉ có mẫu PAK FA Su-T-50.

Với J-31, Trung Quốc đã có hai mẫu tiêm kích thế hệ thứ năm. Trong khi đó, nước Nga mới chỉ có mẫu PAK FA Su-T-50.

Vấn đề “ăn cắp” ý tưởng từ vũ khí Liên Xô/Nga không phải lần đầu diễn ra, và cũng không phải chỉ với Su-27.
Trước kia, từ những năm 1940-1960, Trung Quốc nhận được khá nhiều vũ khí và các dây chuyền sản xuất vũ khí từ Liên Xô. Họ đã nhanh chóng sản xuất được các loại vũ khí xuất xứ Xô Viết và không hề hoãn lại quá trình đó, kể cả khi mối quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc rơi vào tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, làm ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự.
Trung Quốc sản xuất hầu như là tất cả các loại vũ khí, gồm: súng, pháo cối, pháo hạng nặng, xe chiến đấu bọc thép, trong đó có cả xe tăng, hệ thống phòng không và máy bay. Họ thậm chí đã sao chép cả máy bay ném bom tầm xa mang tên lửa Tu-16 của Nga.

Những loại vũ khí này sau đó được Trung Quốc xuất khẩu sang các nước thứ ba, những nước vì lý do chính trị không thể mua vũ khí từ Liên Xô, phương Tây như Albani, Campuchia thời kỳ Pol Pot… Họ chẳng hề thận trọng khi bán vũ khí, giống như Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.

Những loại vũ khí này sau đó được dùng để chống lại Liên Xô. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho mối quan hệ Xô-Trung trở nên căng thẳng vào những năm 1960-1980.

Quá trình sao chép hàng Xô Viết lại tiếp tục diễn ra ngay sau khi hai nước bình thường hóa mối quan hệ. Trung Quốc lần lượt giới thiệu các loại sản phẩm tương tự như của Liên Xô là tên lửa hành trình, động cơ máy bay, và tiêm kích Su-27 cùng nhiều loại vũ khí khác.

Đáng tiếc, hiện việc điều chỉnh mối quan hệ Nga - Trung trong lĩnh vực này chưa được thực hiện. Việc “vay mượn” công nghệ của nước ngoài lâu nay đã trở thành hướng đi chính của ngành công nghiệp và quân sự Trung Quốc và trong tương lai, chính sách này khó mà thay đổi được.

Nga và Trung Quốc cũng đã ký những bản hợp đồng cung cấp vũ khí, kèm theo điều khoản không được tự ý sao chép công nghệ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Trung Quốc tỏ ra không thiết tha với những vụ mua bán kiểu đó nữa. Bên cạnh đóm những điều khoản này không cấm Trung Quốc sao chép công nghệ để bán cho nước thứ ba.

Hiện tại, mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc đã không còn là ưu tiên chính yếu của nền công nghiệp quốc phòng Nga và vì thế liệu Nga có thực sự cần thiết phải tiếp tục hợp tác với Trung Quốc để tiếp tục bị “ăn cắp” sản phẩm?