Italia chi 1,5 triệu euro cho dự án trực tuyến nhằm ngăn chặn người di cư

ANTĐ - Chính phủ Ý vừa qua đã phát động một chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về những mối nguy hiểm như bạo lực và bóc lột có thể xảy ra trong quá trình di cư. Dự án được đưa ra nhằm nỗ lực ngăn chặn những người tị nạn từ khu vực châu Phi hạ Sahara di cư đến Ý và châu Âu nói chung.

“Migrant Aware (tạm dịch 'Người nhập cư nên biết' – P/v), là một thông điệp trong cái chai, và chúng tôi đã ném nó vào không gian mạng", Bộ trưởng Nội vụ Italia, Angelino Alfano, nói với các nhà báo qua một bài thuyết trình đánh dấu sự mở đầu của chiến dịch.

Dự án được phát triển bởi Bộ Nội vụ Ý và Tổ chức Di dân quốc tế (IOM). Với nguồn kinh phí 1,5 triệu euro, chiến dịch được phát động vào tháng 7, trên nhiều không gian mạng khác nhau, bao gồm cả trang web riêng, Facebook, YouTube, Twitter và Instagram. Nó nhắm đến những người di cư trong độ tuổi 16-35 - Nhóm công chúng được cho là sử dụng điện thoại di động nhiều hơn và nhiều khả năng sẽ chấp nhận rủi ro để thực hiện cuộc hành trình đến châu Âu hơn.

“Rõ ràng chúng tôi tự hào chào đón tất cả những người chạy trốn chiến tranh và không có ý định ngăn không cho họ tới”- ông Alfano cho biết trên tờ The Local- “Nhưng chúng tôi không thể chào đón tất cả mọi người”.

“Cuộc khủng hoảng di cư của châu Âu là một cuộc đấu tranh mang tính thời đại”, Alfano nói thêm. "Chiến dịch truyền thông này chỉ là một trong những cách để chúng tôi tìm hướng giải quyết cuộc khủng hoảng”.

Trang web của chiến dịch này có chứa các bài báo và câu chuyện về những người đã rời bỏ đất nước của họ để mong tìm một cuộc sống tốt hơn. Người được phỏng vấn sẽ nói về hành trình nguy hiểm mà họ đã đối mặt, cũng như những mất mát, đau khổ mà họ đã phải trải qua khi cố gắng vượt qua sa mạc Sahara hay Địa Trung Hải, dưới sự dẫn đường của những người buôn lậu.

Tất cả các tài liệu, video luôn bắt đầu với một cam kết “những câu chuyện mà bạn đang nghe là sự thật”, và kết thúc với thống kê về số người nhập cư đã chết ở các vùng khác nhau do các nguyên nhân khác nhau. Mọi thông tin được dịch ra ba ngôn ngữ: Anh, Pháp và tiếng Ả Rập, với hy vọng chúng sẽ đến được với càng nhiều người xem càng tốt.

"Nó giống như đem mạng sống của chính mình ra đặt cược vậy”, Tchamba (36 tuổi) đến từ Tây Phi, người đã cùng với vợ và con mình, buộc phải lên một con tàu và qua Địa Trung Hải đến châu Âu nói.

“Tôi không thể nào cổ vũ hay tư vấn cho bất kỳ ai trong gia đình hay bạn bè của tôi đi đến đất nước này. Bởi vì việc này vô cùng nguy hiểm. Giống như là đi tự sát vậy. Hơi nóng có thể làm cho bạn hóa điên... Và điều tồi tệ nhất là không có nước uống. Đó là ranh giới giữa sự sống và cái chết”, Leamy (37 tuổi) cho biết khi cô chia sẻ về những hồi ức và kinh nghiệm khi vượt qua sa mạc Sahara.

Hơn 300.000 người di cư đã vào châu Âu bằng đường biển kể từ đầu năm 2016

Các sản phẩm truyền thông đầu tiên sẽ được phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình địa phương, đồng thời xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội tại 15 quốc gia châu Phi, trong đó có 3 nước có số dân nhập cư vào Italia lớn nhất là Nigeria, Eritrea và Sudan.

Nhạc sĩ nổi tiếng Rokia Traore đến từ Mali, sẽ xuất hiện trong các chiến dịch với ca khúc “Be aware brother, be aware sister”, cũng sẽ góp phần cảnh báo mọi người về những khó khăn của cuộc hành trình.

Theo số liệu mới nhất của IOM, trong năm nay, thế giới đã chứng kiến khoảng 3.034 trường hợp người di cư thương vong khi đang cố gắng vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu. Con số này của năm nay vượt xa so với số 1.917 người vào năm ngoái. Tính đến ngày 24-7, hơn 300.000 người di cư đã vào châu Âu bằng đường biển kể từ đầu năm 2016.

Ngoài ra, theo báo cáo gần đây của 4mi - một chi nhánh của Hội đồng tị nạn Đan Mạch, trong khoảng 1300 người tìm cách vượt qua sa mạc Sahara để vào châu Âu kể từ năm 2014-2016, có khoảng 1.245 người đã chết ở giai đoạn đầu tiên của cuộc hành trình. “Chỉ có một số lượng rất nhỏ người di cư được phỏng vấn... cho thấy con số 1245 vẫn chưa là gì so với con số những người đã chết trên thực tế”, báo cáo trên kết luận.