Ít thí sinh chọn môn Lịch sử, Sinh học

ANTĐ - Chiều 7-3, Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra kết quả thăm dò nguyện vọng đăng ký dự thi các môn thi THPT quốc gia. Với hơn 66.000 thí sinh dự thi năm nay, Hà Nội có gần 23% thí sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp THPT. Xu hướng lựa chọn môn thi cũng có sự chênh lệch đáng kể, trong đó, Lịch sử và Sinh học có ít thí sinh đăng ký nhất.

Ít thí sinh chọn môn Lịch sử, Sinh học ảnh 1

Các môn thi khối A vẫn được lựa chọn nhiều nhất

Địa lý được đăng ký nhiều nhất

Trong số 66.006 thí sinh dự thi THPT quốc gia của Hà Nội năm nay thì có tới 14.716 thí sinh không có nhu cầu xét tuyển đại học. Thí sinh có nhu cầu xét tuyển ĐH, CĐ là  51.290. Cũng qua kết quả thăm dò, có thể thấy rõ sự chênh lệch về số lượng thí sinh dự thi giữa các môn thi. Trong số môn dự thi của thí sinh chỉ để xét tốt nghiệp THPT, ngoài 2 môn bắt buộc Ngữ văn và Toán, môn Địa lý được thí sinh đăng ký nhiều nhất với 12.257 lượt đăng ký. Môn đăng ký ít nhất với đối tượng này là môn Sinh học với 1.550 lượt đăng ký. Môn Lịch sử có 2.542 thí sinh đăng ký dự thi.

Trong khi đó, thí sinh có nhu cầu xét tuyển ĐH, CĐ thì môn Vật lý lại có số lượt đăng ký cao nhất trong số 5 môn tự chọn với 26.272 thí sinh, tiếp theo là môn Hóa với 19.837 thí sinh. Cũng là điều dễ hiểu vì đây là môn thi phù hợp với tổ hợp thi khối A, khối thi đại học đông nhất. Môn Địa lý có 15.724 thí sinh đăng ký, Sinh học: 6.058 thí sinh và ít thí sinh đăng ký nhất là Lịch sử với 4.414 thí sinh.

Trường THPT Nguyễn Văn Cừ,  Gia Lâm thống kê tạm thời nguyện vọng đăng ký môn thi của thí sinh cho thấy, không có học sinh nào chọn thi môn Lịch sử. Trường THPT Lương Thế Vinh, đại diện nhà trường cũng cho biết, thống kê ban đầu, không có học sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử. 

Có thể thấy môn Địa lý năm nay vẫn là môn được thí sinh đăng ký nhiều vì đây được coi là cơ hội để “gỡ” điểm. Ông Hoàng Châu Tuấn - Hiệu trưởng trường THPT Bất Bạt, Ba Vì cho biết, đa số học sinh của trường này chọn thi môn Địa lý vì đây là môn thi được thí sinh đánh giá là có khả năng đạt điểm cao với lợi thế được mang Át-lát vào phòng thi như các năm trước. 

Hà Nội không muốn thí sinh vất vả 

Qua số liệu thăm dò từ các trường THPT toàn thành phố về nguyện vọng của học sinh lớp 12 dự thi THPT quốc gia với mục đích xét tuyển tốt nghiệp THPT hay để xét tuyển đại học, Hà Nội sẽ đưa ra phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, số liệu cho thấy, tại nhiều trường THPT, đặc biệt là các trường thuộc vùng sâu, vùng xa, rất nhiều thí sinh đăng ký dự thi cụm thi địa phương với mục đích chỉ để xét tốt nghiệp THPT.

Với tổng số 14.716 thí sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp THPT, số lượng này chiếm gần 23% tổng số thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay. Tại trường THPT Bất Bạt, Ba Vì, ông Hoàng Châu Tuấn cho biết, trong tổng số 340 học sinh lớp 12 của trường này thì có tới 2/3 học sinh chọn thi để xét tốt nghiệp. Nhu cầu xét tuyển ĐH, CĐ khoảng 100 học sinh. Điều này cũng tương tự với phần lớn các Trung tâm Giáo dục thường xuyên khi học sinh chỉ có nhu cầu dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp.

Với số liệu này, ông Ngô Văn Chất cho biết, Sở sẽ đề xuất UBND TP vẫn tổ chức 2 cụm thi địa phương và cụm thi đại học. “Việc tổ chức cụm thi địa phương sẽ giúp thí sinh bớt vất vả khi di chuyển vì năm nay không tổ chức thi liên tỉnh nên số lượng các cụm thi đại học sẽ hạn chế. Nếu thí sinh chỉ tập trung thi ở các cụm thi này thì những học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp sẽ phải di chuyển xa, không thuận tiện” - ông Chất phân tích.

Việc tổ chức 2 cụm thi địa phương và cụm thi đại học vẫn là sự lựa chọn của nhiều tỉnh, thành phố do đặc điểm địa hình đi lại phức tạp, không thuận lợi trong việc tập trung thí sinh về dự thi tại những cụm thi do trường đại học chủ trì. Tuy nhiên, việc tổ chức như thế nào để đảm bảo chất lượng tương xứng giữa 2 cụm thi vẫn là vấn đề đang tranh luận và nhiều trường đại học muốn rút bài thi của thí sinh trúng tuyển nhưng không dự thi ở trường mình về để tiến hành hậu kiểm.