Ít ngủ gây cận thị

ANTĐ - Những năm gần đây, các giáo sư nhãn khoa của Trung Quốc đã  thông qua thực nghiệm khoa học phát hiện ra, cận thị và di truyền không hẳn có quan hệ mật thiết. 

Cận thị do di truyền chỉ chiếm 30%, trong khi các nhân tố bên ngoài gây ra cận thị chiếm 70%. Đa số cận thị phát sinh trong thời kì trưởng thành của thiếu niên. Nếu thời kì này, thanh thiếu niên giảm thời gian ngủ, sẽ dẫn đến hệ thần kinh thực vật rối loạn, các bộ phận trên cơ thể phát triển thiếu cân bằng.

Vì sự phát triển của mắt và thị lực chủ yếu chịu sự chi phối của hệ thống thần kinh thực vật, nên khi hệ thống thần kinh này bị rối loạn, vùng cơ mi mắt sẽ bị co rút, trục nhãn cầu dài ra, từ đó hình thành cận thị. Hiện nay, một số chuyên gia nhãn khoa nhận định, thần kinh thực vật bộ phận mắt bị rối loạn chức năng giao cảm và phó giao cảm, là nguyên nhân cơ bản dẫn đến bệnh cận thị. Số liệu thống kê và điều tra của các bệnh viện nhãn khoa chứng minh rằng, nguyên nhân khiến rối loạn thần kinh thực vật phần mắt là do thời gian ngủ không đầy đủ. Vì trên thực chất, mắt chỉ là một bộ phận “nối” dài của tổ chức não bộ (giúp não thu nhận thông tin từ hình ảnh để ra chỉ thị), việc cố ý không cho não nghỉ ngơi chính là tổn hại đến sức khỏe của mắt.

Tương tự như nguyên do ngủ ít, xem tivi nhiều, đọc sách không đủ ánh sáng cũng có thể khiến rối loạn chức năng của thần kinh thực vật, tuy nhiên những ảnh hưởng từ các yếu tố này không lớn. Do đó, thanh thiếu niên muốn dự phòng cận thị, ngủ đủ giấc và giấc ngủ chất lượng là điều quan trọng nhất. 

Những người dùng mắt quá sức, đặc biệt là các học sinh trung học và sinh viên, người làm việc thường xuyên với máy tính, để phòng cận thị, nên: mỗi ngày ngủ đủ 8-9 tiếng, xem tivi không quá 1,5 tiếng; massage mắt 1-2 lần mỗi ngày; ăn uống hợp lý và duy trì tâm trạng vui vẻ.