Israel yêu cầu Hamas hạ vũ khí, rời khỏi Dải Gaza

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 30-3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, Israel sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột ở Dải Gaza nếu lực lượng Hamas hạ vũ khí và rời khỏi vùng đất này.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Hồi tháng 1-2025, sau 15 tháng giao tranh ở Gaza, Israel và nhóm vũ trang Hamas đã đồng ý ngừng bắn ba giai đoạn. Tuy nhiên, vào giữa tháng 3, Israel đã nối lại các cuộc không kích và chiến dịch trên bộ tại vùng đất này khi các cuộc đàm phán với Hamas về việc thả các con tin còn lại và thực thi lệnh ngừng bắn bị đổ vỡ.

Hôm 29-3, quan chức cấp cao của Hamas, Khalil al-Hayya cho biết nhóm này chấp nhận đề xuất ngừng bắn mới từ các bên trung gian ở Ai Cập và Qatar. Cùng ngày, Israel xác nhận rằng họ nhận được bản dự thảo đề xuất và đã đưa ra phản biện, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết nào vào thời điểm đó.

Trong một tuyên bố qua video vào ngày 30-3, Thủ tướng Netanyahu cho biết, Israel sẵn sàng chuyển sang giai đoạn cuối cùng của lệnh ngừng bắn, theo đó sẽ chấm dứt cuộc bao vây Gaza, nếu Hamas ngừng chiến đấu và rời khỏi vùng đất này.

“Tuyên bố cho rằng chúng tôi không muốn thảo luận về giai đoạn [ngừng bắn] cuối cùng là không đúng”, ông Netanyahu nói, “Chúng tôi đã sẵn sàng. Hamas hạ vũ khí. Các thủ lĩnh của họ sẽ được phép rời đi”.

Các tay súng Hamas

Các tay súng Hamas

Nội các Israel đã họp vào ngày 29-3 và quyết định tăng thêm áp lực lên Hamas để thúc đẩy nhóm này thả những con tin còn lại, Thủ tướng Netanyahu cho biết. “Áp lực” của Israel đối với nhóm vũ trang này đã có hiệu quả, ông nói thêm.

Trong trường hợp lệnh ngừng bắn thành công, Israel sẽ kiểm soát Gaza, Thủ tướng Netanyahu cho hay. “Chúng tôi sẽ đảm bảo an ninh chung ở Dải Gaza và cho phép thực hiện kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump, kế hoạch nhập cư tự nguyện”, nhà lãnh đạo Israel nói.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gợi ý rằng Mỹ có thể “tiếp quản” vùng đất này và xây dựng nó thành “Riviera của Trung Đông”, trong khi người dân Palestine có thể bị di dời tới các quốc gia láng giềng “rất giàu có”. Kể từ đó, các quốc gia Ảrập đã bác bỏ kế hoạch này và đưa ra một kế hoạch tái thiết thay thế cho Gaza, nhưng Israel và Mỹ không đồng ý.