Israel và kế hoạch bí mật chuyển 60.000 người Palestine tới Paraguay thế kỷ trước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong cuộc họp nội các của Chính phủ Israel tháng 5-1969 có một nội dung là Israel và Paraguay đã có thỏa thuận về “khuyến khích di cư” đối với 60.000 người Palestine từ các vùng lãnh thổ mà Israel chiếm được trong Cuộc chiến tranh 6 ngày (1967).
Nhân viên cơ quan tình báo Irael Mossad được giao nhiệm vụ tuyển mộ và đưa người Palestine tới Paraguay

Nhân viên cơ quan tình báo Irael Mossad được giao nhiệm vụ tuyển mộ và đưa người Palestine tới Paraguay

Biên bản cuộc họp nói trên được tiết lộ đầu tháng 8-2020 nêu chi tiết các cam kết của từng quốc gia. Theo đó, Israel tài trợ cho các chuyến bay chuyển người Palestine đã đồng ý rời dải Gaza với giá 100 USD/người ra đi và thanh toán cho Chính phủ Paraguay là 33USD/người Palestine. Trong khi đó, Paraguay chấp nhận cho người tị nạn thường trú và sau 4 năm sẽ cấp quốc tịch cho họ.

Người tị nạn Palestine - bài toán khó xử

Vào thời điểm hiệp định được phê chuẩn, lãnh đạo Paraguay là Alfredo Stroessner đã cầm quyền được 15 năm, lâu nhất trong lịch sử Mỹ Latinh tính đến thời điểm đó và nổi tiếng với việc che chở cho các sĩ quan hàng đầu của Đức Quốc xã hơn là chào đón những người tị nạn. Mối quan tâm của ông Stroessner đối với những người nhập cư Palestine có thể liên quan đến nhu cầu cấp thiết của quốc gia về nhân công ngành nông nghiệp. Cụ thể là nước này hy vọng những người tị nạn sẽ giúp quốc gia vốn thiếu thốn tiền mặt và nghèo tài nguyên sẽ trở nên… đủ sống.

Các chi tiết của bản kế hoạch đó là minh chứng thêm cho những tuyên bố lâu nay của người Palestine, rằng Israel ngay từ khi thành lập chỉ muốn loại bỏ những người Ảrập bản địa sống trên vùng đất mà họ cai trị. Ông Kamal Cumsille - Giáo sư nghiên cứu về Ảrập của Đại học Chile và là một chuyên gia về người di cư Ảrập đến Mỹ Latinh nhận định: “Không nghi ngờ gì Israel duy trì một chính sách thù địch nhằm đẩy người Palestine rời đi”.

Chỉ đến khi sự việc lần đầu tiên được Eran Cicurel - Biên tập viên nước ngoài của tờ Kan News (Israel) tiết lộ, ông Kamal Cumsille mới biết được trong lịch sử đã từng có một thỏa thuận thực tế về việc chuyển giao người Palestine tới Paraguay. Nhà báo Cicurel đã tìm được biên bản năm 1969 trong một loạt các tài liệu được giải mật gần đây. “Tôi không thể tin vào mắt mình. Đó dường như là một âm mưu lớn và không phải ngẫu nhiên chúng không được tiết lộ”.

Thời điểm năm 1969, Israel dù còn đang hoan hỉ với chiến thắng năm 1967 trước liên quân của Ai Cập, Jordan, Syria và Iraq, nhưng các nhà lãnh đạo quốc gia này không biết phải xử lý thế nào đối với gần 1 triệu người Palestine nằm dưới sự cai trị của họ. Trước đó, từ sau ngày giành độc lập năm 1948, Israel luôn né tránh vấn đề người tị nạn Palestine. Theo Tom Segev - nhà sử học chuyên về thời lập quốc của Israel - Thủ tướng sáng lập của Israel là David Ben Gurion đã hình dung về “một quốc gia Do Thái với diện tích lãnh thổ tối đa và số người Ảrập tối thiểu”.

“Trong nhiều năm, các nhà ngoại giao Israel đóng ở Australia hay Brazil được giao thêm nhiệm vụ tìm nơi có thể giải quyết vấn đề người tị nạn, đó là mong muốn của Nhà nước Israel. Vì vậy, kế hoạch chuyển đến Paraguay chỉ là 1 trong nhiều kế hoạch tương tự”.

Tom Segev (Nhà sử học Israel)

Tại vùng đất từng do Anh kiểm soát mà Israel tuyên bố độc lập, gần 80% trong tổng số khoảng 950.000 người Ảrập sống tại đó đã bỏ trốn hoặc bị trục xuất trong chiến tranh. Khoảng 150.000 người còn lại trở thành công dân Israel. Nhà sử học Tom Segev giải thích: “Lãnh thổ tối đa không có nghĩa là tất cả đất đai. Không bao giờ có chuyện đó. Năm 1948, Thủ tướng Ben Gurion ra lệnh cho quân đội không mở rộng đến Đông Jerusalem, Bờ Tây và Gaza. Không phải vì chúng tôi không có đủ lực lượng để chinh phục nó, mà vì có rất nhiều người Ảrập sống ở đó. Mục tiêu của Thủ tướng là càng nhiều đất với càng ít người Ảrập sống trên đó càng tốt. Bất cứ khi nào Israel có khả năng mở rộng đất liền nhưng số dân Ảrập lớn, câu trả lời sẽ là không”.

Tuy nhiên, năm 1969, Thủ tướng Israel lúc bấy giờ Golda Meir phải đối mặt với câu hỏi hóc búa về số phận của những người Palestine không quốc tịch, những người mà bà nói trong một cuộc phỏng vấn: “Không có nơi nào để quay đầu vì nhu cầu của họ hơn chúng ta”. Khoảng 300.000 người trong số họ sống ở Gaza. Bà Golda Meir đã cân nhắc nhiều lựa chọn khác nhau, bao gồm đề nghị sự giúp đỡ của Ai Cập và Jordan, những người đã cai trị bờ Tây và Gaza cho đến cuộc chiến năm 1967. “Trong nhiều năm, các nhà ngoại giao Israel đóng ở Australia hay Brazil được giao thêm nhiệm vụ tìm nơi có thể giải quyết vấn đề người tị nạn, đó là mong muốn của Nhà nước Israel. Vì vậy, kế hoạch chuyển đến Paraguay chỉ là 1 trong nhiều kế hoạch tương tự” - Tom Segev nói.

Thỏa thuận về tái định cư người Palestine được sự nhất trí của nhà lãnh đạo Paraguay Alfredo Stroessner và nữ Thủ tướng Israel Golda Meir

Tiết lộ của người trong cuộc

Không rõ có bao nhiêu người Palestine di cư đến Paraguay trong khuôn khổ kế hoạch ngắn hạn đó. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2004, Meir Novik - một chỉ huy cảnh sát tham gia chiến dịch cho biết: “Vài chục người Palestine đã chuyển sang Paraguay”. Nhà chức trách Paraguay cũng xác nhận điều này với nhà báo Eran Cicurel. Nhưng Moshe Peer - một nhà ngoại giao từng là lãnh sự của Israel tại Paraguay (thời điểm năm 1970) trong một cuộc phỏng vấn năm 2004 cho biết rằng, hàng nghìn người đã được tái định cư.

Vào ngày 4-5-1970, một năm sau khi Chính phủ Israel chính thức phê duyệt kế hoạch, 2 người Palestine được trang bị súng trường đã tiến vào Đại sứ quán Israel ở Asuncion (Paraguay) với mục đích ám sát Đại sứ Benjamin Varon. Khi được thông báo, ông Varon đã ra ngoài vào ngày hôm đó. Nhưng Khaled Derwish Kassab (21 tuổi) và Talal al-Demasi (20 tuổi) đã bắn chết bà Edna Peer, vợ của nhà ngoại giao Moshe Peer. Hai năm sau, Tòa án Paraguay đã kết án 2 đối tượng được xác định là thành viên của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) với mức án 13 năm tù.

Khi đó, Israel đã trở thành mục tiêu tấn công của PLO, bao gồm cả vụ thảm sát đội tuyển Olympic Israel ở Munich năm 1972. Chưa kể, còn có 2 cuộc tấn công khét tiếng do Mặt trận Bình dân giải phóng Palestine (một phe cực tả của PLO) thực hiện. Năm 1976, một chiếc máy bay của Air France đến Tel Aviv đã bị không tặc, chuyển hướng đến sân bay Entebbe (Uganda). Trung tá Yonatan Netanyahu (anh trai của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu) đã thiệt mạng khi chỉ huy nhiệm vụ giải cứu. Trong một vụ việc khác năm 1985, Achille Lauro, một tàu du lịch của Ý đi từ Ai Cập đến cảng Ashdod của Israel bị đột kích, dẫn đến cái chết của hành khách người Mỹ 69 tuổi là Leon Klinghoffer.

Người ta biết rất ít về các sáng kiến di tản người Palestine, nhưng kế hoạch đưa tới Paraguay là đặc biệt cụ thể và đầy tham vọng. Và theo nhà cựu ngoại giao Moshe Peer, đó cũng là một “lỗi về an ninh”. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2004 với tờ Maariv của Israel, ông đặt câu hỏi, nếu biết một nhóm đông như vậy sẽ đến Paraguay, lẽ ra đại sứ quán phải được tăng cường an ninh, tránh để xảy ra vụ xả súng như vậy.

Nhưng trớ trêu là ông Moshe Peer đã thừa nhận mình là nhà ngoại giao chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch tái định cư cho người Palestine. Ba tuần trước khi xảy ra vụ nổ súng ở đại sứ quán, ông Peer giải cứu 1 đặc vụ Mossad sau khi một số người Palestine chuyển đến từ Israel phàn nàn rằng họ cảm thấy bị bỏ rơi mà không có tiền bạc và việc làm. Các đặc vụ của Mosssad là xương sống cho hoạt động, tìm kiếm những người ở Gaza có ý định tái định cư ở Paraguay.

Sau khi vợ bị sát hại, nhà ngoại giao Moshe Peer đã bị buộc phải thề không hé răng nửa lời về kế hoạch này trong ít nhất 30 năm. Về cái chết của vợ mình, ông Moshe Peer kể rằng những người tị nạn được đảm bảo họ sẽ trở thành chủ đất, rằng đây là miền đất hứa của họ. Đặc vụ Mossad đi cùng họ hứa sẽ quay lại sau 2 hoặc 3 tuần để xem tình hình của họ như thế nào, nhưng không bao giờ quay lại. Họ cũng được thông báo rằng, hãy bắt đầu làm việc và sẽ nhận được tiền sau. Nhưng vì cảm thấy bị lừa, sau đó họ đã tìm kiếm ngài đại sứ và khi không thấy thì họ đã bắn vợ tôi. Gia đình tôi là nạn nhân của vụ chuyển nhượng này” - ông kết luận.