IS đổi chiêu tuyên truyền bằng phim hoạt hình

ANTD.VN - Bên cạnh các phương tiện tuyên truyền tự tạo kiểu cũ như đoạn băng âm thanh, tạp chí, video và hình ảnh - chủ yếu mô tả các hành vi bạo lực, gần đây, nhóm khủng bố Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng còn làm phim hoạt hình nhằm thu hút người ủng hộ. 

IS đổi chiêu tuyên truyền bằng phim hoạt hình ảnh 1Phim hoạt hình có tựa đề “Soon Inshallah” hay “Soon, God willing” cho thấy một phần tử IS đã sơn đen bức tường của Nhà Trắng

Đổi chiêu vì bị chặn trên mạng xã hội 

Đầu năm 2017, một kênh trên ứng dụng nhắn tin Telegram và YouTube bắt đầu đăng tải những bộ phim hoạt hình được ghép từ những bức ảnh tàn bạo và gây sốc mà Nhà nước Hồi giáo (IS) từng công bố. Trong số này có một bộ phim đặc biệt nhắm vào trẻ em, có tựa đề “The Ruler and the Brave” (Kẻ cai trị và Kẻ can đảm), kể về một đất nước “vỡ mộng” với kẻ lãnh đạo bạo chúa của mình, buộc “những người dũng cảm” phải đứng lên chống lại tên bạo chúa này. “Những người dũng cảm” hóa ra là những chiến binh IS.

Trong 2 năm qua, hoạt động tuyên truyền của IS và những kẻ ủng hộ nhóm Hồi giáo cực đoan này bị các phương tiện truyền thông xã hội hạn chế nhiều. Tuy nhiên, do tính năng bảo mật của các mạng, các tài liệu tuyên truyền cực đoan khó xác định và chặn trước. Ví dụ, ảnh và các đoạn băng bạo lực trên các phương tiện truyền thông như Facebook và Twitter thường bị xóa vài ngày sau khi phát hiện. Đầu năm 2017, các phim hoạt hình thể hiện hệ tư tưởng của IS bắt đầu xuất hiện trên kênh Telegram. Các phim hoạt hình này cũng được chia sẻ trên YouTube hồi tháng 3 và tồn tại cho đến đầu tháng 6-2017. 

Brendan Koerner, biên tập viên của Tạp chí công nghệ Wired cho biết, mặc dù phim hoạt hình ít có khả năng bị các trang mạng chú ý như các bức ảnh bạo lực, nhưng việc IS chuyển sang sử dụng phim hoạt hình để tuyên truyền có thể là do nhóm này không sản xuất thêm được các đoạn băng hay bức ảnh trong các khu vực do chúng kiểm soát. “Đội quân IS bị đánh bại ở nhiều vùng chúng từng kiểm soát tại Syria và Iraq. Vì thế, việc sản xuất nội dung tuyên truyền phụ thuộc vào những người ủng hộ ở ngoài lãnh thổ của IS”, Koerner nhận định. Được biết, các bài đăng trên các kênh tuyên truyền này và cách quản trị cho thấy quản trị viên là nữ và có thể là người Ai Cập.

Dùng công nghệ chống truyền bá

Trước đó, nhóm “Abu Al-Laith” của Yemen, một chi nhánh của Al Qaeda trên bán đảo Arabia, cũng sử dụng phim hoạt hình để truyền bá Hồi giáo cực đoan trong giới trẻ và tuyển dụng trẻ em vào mạng lưới khủng bố. Đại diện Quỹ Quilliam - cơ sở đấu tranh chống các xu thế cực đoan trong đạo Hồi, cho biết rằng, đó là những bộ phim hoạt hình giống như của Disney nhắm vào trẻ em qua những câu chuyện tiên tri, thánh chiến và tuyên truyền chống phương Tây. 

“Phim hoạt hình ít có khả năng bị các trang mạng chú ý như các bức ảnh bạo lực, nhưng việc IS chuyển sang sử dụng phim hoạt hình để tuyên truyền có thể là do nhóm này không sản xuất thêm được các đoạn băng hay bức ảnh trong các khu vực do chúng kiểm soát”.

Brendan Koerner (Biên tập viên Tạp chí công nghệ Wired)

Bên cạnh phim hoạt hình, IS cũng sử dụng giọng điệu tuyên truyền nhẹ nhàng hơn, khuyên những người ủng hộ nhóm ôn hòa hơn khi thảo luận về ý thức hệ của IS với các thành viên mới. Cách tiếp cận này khác biệt rõ rệt với cách làm thông thường của IS trước đây, vốn rất bạo lực và man rợ. Theo ông Koerner: “Chúng phải tìm ra cách mới để tuyển mộ những người ủng hộ và những người sẵn sàng thay đổi”.

Trong một nỗ lực mới nhất nhằm chống lại các hoạt động truyền bá cực đoan và chiêu mộ nhân lực của tổ chức Hồi giáo IS, cuối tháng 7-2017, Hãng công nghệ Google đã phát triển thuật toán tìm kiếm trên YouTube có tên Redirect Method. Redirect Method bắt đầu với chương trình thí điểm kéo dài 8 tuần và đã liệt kê ra được 320.000 người xem muốn tìm hiểu về những vấn đề xoay quanh hoạt động chiêu mộ của IS cũng như những nội dung có thể  chống truyền bá, phản bác lại những kẻ tuyên truyền chuyên nghiệp của IS.