Iran vô cùng “phấn khích” khi Nga gỡ bỏ lệnh cấm bán S-300

ANTĐ - Ngày 13-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm bán hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Tehran. Sự kiện này đã khiến Mỹ và Israel “nhảy dựng lên”, nhưng ngược lại Iran tỏ ra vô cùng “hồ hởi” và “phấn khích”. 

S-300 là hệ thống tên lửa di động hiện đại, có khả năng phá hủy nhiều loại tên lửa hành trình và chiến đấu cơ của đối phương. Là một trong những loại tên lửa quý giá nhất của Nga, nó có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km. 

Vì vậy, đối với Iran việc sở hữu S-300 sẽ giúp quốc gia Hồi giáo này gia tăng tiềm lực quốc phòng trước Israel, quốc gia từng lớn tiếng đòi “xóa tên Iran khỏi bản đồ thế giới” hồi tháng 10-2005.
Iran vô cùng “phấn khích” khi Nga gỡ bỏ lệnh cấm bán S-300  ảnh 1Hệ thống phòng không S-300 giúp Iran tăng cường đáng kể khả năng phòng vệ

Trao đổi với Sputnik, nhà lập pháp Hossein Sheikholeslam nói: “Bây giờ Mỹ và đồng minh sẽ không thể giữ thế cân bằng trong khu vực bằng cách ra lệnh và đặt điều kiện đối với chúng tôi từ vị thế của kẻ mạnh”.

Theo ông Sheikholeslam, quyết định cho phép vận chuyển S-300 đồng nghĩa với việc Nga là một đối tác đáng tin cậy. Trước đó, lệnh cấm vận chuyển S-300 của Nga được xem như là một “cái gai” trong quan hệ giữa Moscow và Tehran.

Trong khi đó, người đứng đầu hãng thông tấn Mehr, ông Hassan Hanizadeh đã phát biểu với Sputnik rằng, quyết định của Tổng thống Putin đã tạo ra sự phấn khích, hồ hởi ở Iran. Việc này chứng tỏ sự độc lập của Moscow  trong việc đưa ra các quyết định chính trị và cho thấy sự tuân thủ hợp đồng của họ. 

Ông Hanizadeh tin rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm cùng với các thỏa thuận đạt được tại Lausanne đã lật sang một trang mới trong hợp tác quốc phòng giữa Nga-Iran. Sự hợp tác này mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực Trung Đông, khu vực đang rơi vào bất ổn nghiêm trọng.

Ngược lại với sự "phấn khích" của Iran, Washington và Tel Aviv đã vô cùng tức giận với quyết định này của Moscow.

Phát ngôn viên Nhà Trắng, Josh Ernest cho rằng, việc Moscow dỡ bỏ lệnh cấm bán S-300 cho Tehran có thể gây cản trở cho việc bàn thảo về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, cũng như khả năng tiến tới dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Còn Israel - quốc gia luôn coi Iran là “kẻ thù không đội trời chung” cũng đã lên tiếng phản đối kịch liệt.

Tuy nhiên, cả Nga và Iran vẫn xác nhận việc chuyển giao các hệ thống tên lửa S-300 sẽ được tiến hành trong thời gian tới.