Iran tập trận ở eo biển Hormuz - Mỹ "ngồi trên đống lửa"

ANTĐ - Bắt đầu từ ngày 28/12/2012, hải quân Iran đã tiến hành cuộc diễn tập “Velayat 91” tại khu vực eo biển Hormuz, cuộc diễn tập này làm Mỹ và các nước phương Tây rất lo lắng về những bất trắc có thể xảy ra.

“Cuộc diễn tập quân sự đáng ngờ” trong mắt Mỹ và phương Tây

Ngày 29/12/2012, người phát ngôn của Hải quân Iran Amir Rust Gary phủ nhận rằng Iran tiến hành cuộc diễn tập quân sự ở khu vực biển phía nam nước này nhằm mục đích thao luyện khả năng phong tỏa eo biển Hormuz.

Trả lời một cuộc phỏng vấn của Press TV Iran, ông Rust Gary đã cho biết, hải quân Iran đã không đưa ra các cảnh báo cho tàu buôn và tàu hải quân nước ngoài qua lại khu vực diễn tập, mặc dù theo thông lệ quốc tế Iran hoàn toàn có thể làm như vậy. Được biết, diễn tập “Bảo vệ-91” (Velayat 91) sẽ diễn ra tại khu vực eo biển Hormuz, biển Oman, khu vực biển phía bắc Ấn Độ Dương, vịnh Aden và eo biển Mandab với tưởng định là phản kích chống quân địch xâm nhập vào khu vực eo biển này.

Iran vừa thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa phòng không tầm gần mới

Các phương tiện truyền thông phương Tây đã tuyên bố, sau khi khai mạc cuộc diễn tập, hải quân Iran đã yêu cầu tàu bè ngoại quốc phải lập tức rời khỏi khu vực diễn tập ở eo biển Hormuz. Cuộc diễn tập quân sự  trên quy mô lớn tại yết  hầu của tuyến đường vận chuyển dầu mỏ này được tiến hành trong vòng 6 ngày, từ 28/12/2012 đến ngày 02/01/2013.

Cuộc diễn tập của hải quân Iran đã huy động một lực lượng lớn, bao gồm tàu nổi, tàu ngầm của hải quân như: tàu cao tốc; tàu khu trục, tàu hộ vệ tên lửa; đặc biệt là tàu ngầm siêu hạng Tareq vừa trải qua quá trình nâng cấp. Ngoài ra còn có một số hệ thống tên lửa tầm gần, tầm trung mới phát triển của lực lượng bảo vệ bờ biển, máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và một số loại UAV.

Cuối tháng 12 năm ngoái, Iran cũng đã từng tiến hành cuộc diễn tập “Bảo vệ-90” (Velayat 90). Trong quá trình diễn tập Iran đã từng bóng gió đe dọa là sẽ phong tỏa eo biển Hormuz nhưng cuối cùng họ đã không làm như vậy. Trước khi cuộc diễn tập này diễn ra, các chuyên gia quân sự Mỹ và phương Tây rất lo lắng viễn cảnh Iran sẽ nhân cơ hội này để phong tỏa eo biển Hormuz hoặc ít nhất cũng thao luyện phương án tác chiến để “đóng cửa” eo biển này.

Gần như cuộc diễn tập nào Iran cũng ra mắt một loại vũ khí mới

Hậu quả khó lường nếu Iran đóng cửa eo biển Hormuz

Yếu tố địa - chính trị chiếm vị trí cực kỳ quan trọng trong tư duy chiến lược toàn cầu của Mỹ, không phải ngẫu nhiên mà một số nhà hoạch định chiến lược nổi tiếng của Mỹ như: Kissinger, Brzezinski đều là những người tôn sùng lí luận địa - chính trị, việc Mỹ luôn làm khó dễ cho Iran cũng xuất phát chủ yếu từ vị trí chiến lược của Tehran. Iran nằm ở giữa hai nguồn năng lượng lớn nhất thế giới là vịnh Ba Tư và biển Caspian, án ngữ eo biển Hormuz, có vị trí địa lý rất quan trọng, là trọng điểm tranh chấp từ cổ chí kim.

Eo biển Hormuz là yết hầu vận chuyển năng lượng của thế giới, hàng năm hơn 40% lượng dầu thô trên thế giới phải vận chuyển thông qua đây. Trong giai đoạn trước, Iran đã từng đe dọa, nếu xuất khẩu dầu thô bị cấm vận, Tehran sẽ phong tỏa eo biển này. Ngay lập tức nó đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía Mỹ với tuyên bố: “vấn đề này đã động chạm đến huyết mạch của nền kinh tế Mỹ”.

Viễn cảnh Iran phong tỏa eo biển Hormuz luôn làm Mỹ bất an

Hiện nay, Mỹ là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, các tập đoàn sản xuất trong nước đều yêu cầu chính phủ Mỹ không ngừng mở rộng ra nước ngoài để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày một cao. Iran là nước xuất khẩu dầu mỏ đứng thứ 5 thế giới, hiện mỗi ngày họ khai thác được 35 triệu thùng dầu thô. Năm 2010, bình quân mỗi ngày họ xuất khẩu 20,87 triệu thùng, chiếm 9% tổng lượng xuất khẩu của các nước thành viên OPEC, và 5% tổng lượng xuất khẩu dầu thô trên toàn thế giới, chỉ xếp sau Nga và Saudi Arabia, đây là điều từ lâu Mỹ thèm muốn.

Sau khi ông Obama đắc cử, tuy Mỹ đã đẩy mạnh khai thác dầu mỏ ở vùng biển thềm lục địa nước mình, công nghệ khai thác khí đá phiến cũng đạt được bước phát triển đột phá, làm giảm bớt sự phụ thuộc của công nghiệp Mỹ vào năng lượng nước ngoài, nhưng sự thèm khát nguồn năng lượng nhập khẩu và chiếm hữu của nước ngoài vẫn không hề giảm đi. Hiện nay, giá cả thị trường năng lượng không ngừng leo thang, khiến người dân Mỹ rất không hài lòng. Vì vậy, kiểm soát được nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào ở khu vực Trung Đông không chỉ có giá trị quan trọng trong phục hồi nền kinh tế mà còn hóa giải có hiệu quả những áp lực chính trị trong nước.

Hạm đội 5 của Mỹ quyết ngăn cản hành động này cỉa Iran

Nếu bị tấn công, tuy không có khả năng đánh thắng Mỹ nhưng Iran sẽ dùng mọi biện pháp như: dùng tên lửa tiến công tàu bè, rải thủy lôi, đánh đắm các tàu lớn tại eo biển này để phong tỏa con đường vận chuyển hơn 40% lượng dầu mỏ trên thế giới. Nếu Iran trấn thủ eo biển Hormuz, phong tỏa lối vào vịnh Ba Tư, nơi có trữ lượng dầu và khí đốt lớn nhất thế giới, không những các quốc gia vốn sống dựa dẫm vào nguồn dầu thô ở vịnh Ba Tư bị “cắt cổ” mà kinh tế thế giới cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, rất dễ dẫn đến một chu kỳ suy thoái kéo dài. Mà Mỹ thì không đủ tự tin là có thể bảo đảm sự thông suốt của eo biển này trong cuộc chiến khốc liệt ở Trung Đông nên mỗi khi Iran tiến hành hoạt động quân sự gì ở khu vực eo biển này là Mỹ và Nato lại “ăn không ngon, ngủ không yên” cũng là điều dễ hiểu.