Iran nằng nặc đòi tập đoàn Rosoboronexport giao S-300

ANTĐ - Đại sứ nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Nga Mehdi Sanai tuyên bố, nước này hy vọng sẽ giải quyết xong cuộc tranh cãi về việc cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-300 mà các bên liên quan không cần phải ra tòa.

Ngày 17-2, trả lời phỏng vấn báo "Kommersant", đại sứ Mehdi Sanai nhận định, Iran cố gắng tránh việc phải kiện cáo các bên liên quan trong vụ mua bán hệ thống tên lửa phòng không S-300 ra tòa.

Theo đó, Iran coi hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 là hợp pháp và không trái với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, vị đại sứ cũng lưu ý rằng Tehran sẽ chỉ rút đơn kiện Tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport của Nga tại Tòa án trọng tài Geneva, nếu hợp đồng trước đây được hoàn thành.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 do Nga sản xuất

Quay ngược thời gian, vào năm 2007, Iran và Nga đã ký một hợp đồng mua 5 hệ thống phòng thủ tên lửa S-300, nhưng đến tháng 9-2010, cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký một nghị định hủy bỏ hợp đồng này do Liên Hợp Quốc đã ban hành một nghị quyết cấm vận vũ khí và trang bị quân sự đối với Iran.

Sau đó, Iran đã đâm đơn kiện tập đoàn Rosoboronexport lên Tòa án trọng tài quốc tế ở Geneva, đòi Nga phải bồi thường 4 tỷ USD.

Iran không chấp nhận thay S-300 bằng hệ thống phòng không Antei-2500

Nga đã nỗ lực dàn xếp vụ kiện này, bao gồm cả việc đề xuất thay thế bằng cung cấp các hệ thống phòng không Tor, thậm chí là Antei-2500. Phía Nga cho rằng, các hệ thống này chính thức không chịu ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận hiện tại đối với Iran, trong khi vẫn hữu ích đối với quốc gia Trung Đông này.

Trong khi S-300 được phát triển cho các lực lượng phòng thủ tên lửa, thì Antei-2500 được thiết kế đặc biệt cho nhu cầu của các lực lượng mặt đất, do vậy cũng có thể là một lợi thế đối với Iran, đất nước có một lực lượng mặt đất hùng mạnh. Tuy nhiên, phía Iran đã cự tuyệt đề nghị thay thế này.