Iran giục Yemen lập chính phủ mới, căng thẳng với Ả rập Saudi lên đỉnh điểm?

ANTĐ - Hôm 13-4, Iran đã thúc giục Yemen thành lập một chính phủ mới và nói rằng sẽ hỗ trợ chính quyền này trong quá trình thay đổi chính trị. Động thái này có khả năng sẽ chọc giận Ả Rập Saudi, quốc gia đang dẫn đầu các cuộc không kích vào lực lượng nổi dậy được Iran hậu thuẫn ở Yemen.

Lời đề nghị "táo bạo"
Phát biểu trong chuyến thăm hai ngày đến Kazakhstan, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết: “Tôi có vinh dự được tham gia Hội nghị Bonn năm 2011, nơi mà chúng tôi kêu gọi thành lập chính phủ ở Afghanistan, sau khi quyền lực của Taliban bị lật đổ trong cuộc chiến đấu của Mỹ và lực lượng Afghanistan đồng minh. Trong thực tế, chúng tôi không làm điều này, mà những người dân Afghanistan đã thực hiện nó. Và chúng tôi có thể đề nghị một điều tương tự như vậy ở Yemen”.
Iran giục Yemen lập chính phủ mới, căng thẳng với Ả rập Saudi lên đỉnh điểm? ảnh 1Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif

Lời đề nghị của Ngoại trưởng Iran được đưa ra trong khi tình hình chính trị ở Yemen đang rối ren, phức tạp, các cuộc chiến giữa phiến quân Houthi và lực lượng ủng hộ Tổng thống Hadi liên tiếp diễn ra, liên minh không kích do Ả Rập Saudi dẫn đầu không ngừng thả bom nhắm mục tiêu vào Houthi để đập tan tham vọng đòi quyền lực của người Shiite trên đất nước Yemen nhỏ bé.

Đối với Ả Rập Saudi, lời đề nghị của ông Zarif cho một quá trình tương tự ở Yemen có thể là một nỗ lực để mở rộng ảnh hưởng của Iran trên bán đảo Ả Rập, nơi liên minh các quốc gia Ả Rập Sunni đang cố gắng hỗ trợ Tổng thống Yemen Abd-Rabbu Mansour Hadi chiến đấu chống lại lực lượng nổi dậy người Shiite.

Không biết liệu rằng trước những động thái thúc giục có phần “táo bạo” này của Iran, Ả Rập Saudi sẽ có những phản ứng như thế nào đối với cuộc chiến hiện tại ở Yemen nói riêng và sự tranh giành ảnh hưởng của người Shiite và người Sunni ở Trung Đông nói chung?
Vòng xoáy tranh giành quyền lực

Bắt đầu từ "cuộc nổi dậy" Mùa xuân Ả Rập năm 2011, Trung Đông đã bị đẩy vào một cuộc bất ổn sắc tộc không có lối thoát, khi người Sunni cai trị Ả Rập Saudi và người Shiite ở Iran đang cố gắng giành giật ảnh hưởng quyền lực tại một số nước như Yemen, Iraq và Syria.

Dường như không chỉ Iran, Ả Rập Saudi, Yemen mà còn rất nhiều các quốc gia khác bị kéo vào vòng xoáy luẩn quẩn của cuộc chiến quyền lực. Đó là Bahrain, Qatar, Kuwait, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Ai Cập, Jordan, Morocco, Pakistan và Sudan. Tehran cũng là một thành phần trong đó. Mặc dù nói rằng không công nhận ông Hadi là Tổng thống Yemen, nhưng Tehran cũng đang ra sức chối bỏ các cáo buộc cung cấp vũ khí hỗ trợ phiến quân Houthi chiến đấu.
Iran giục Yemen lập chính phủ mới, căng thẳng với Ả rập Saudi lên đỉnh điểm? ảnh 2Dân thường là những người chịu thiệt thòi nhất trong chiến tranh

Trước đó, trong một bài xã luận trên tờ New York Times, Tổng thống Hadi cũng nói rằng, Iran đã "bị ám ảnh với sự thống trị trong khu vực" và phiến quân Houthi là "con rối" để nước này thực hiện ước mơ đó.
Căng thẳng, nối tiếp căng thẳng và có thể lên đến đỉnh điểm khi mới đây Iran lại tiếp tục đình chỉ tất cả các cuộc hành hương Hồi giáo Umrah tới Ả Rập Saudi, sau những cáo buộc các nhân viên an ninh Ả rập Saudi đã lạm dụng tình dục 2 bé trai ở sân bay Jeddah.

Cuộc chiến quyền lực ở Trung Đông vẫn đang xoay vần, sau Iraq, Syria và bây giờ là đến Yemen. Người chịu thiệt thòi nhất trong chiến tranh không ai khác ngoài dân thường vô tội, hàng trăm nghìn người đã phải bỏ mạng, trong khi vô số người khác phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Cục diện Trung Đông sẽ thay đổi ra sao nếu chiến đấu vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ?