IPO sẽ không còn “no dồn, đói góp”
(ANTĐ) - Bộ Tài chính đang xúc tiến thành lập tổ hoạch định phát hành với chức năng chính là điều hành công tác IPO của các doanh nghiệp, nhằm thực hiện đúng lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời để không xảy ra tình trạng “no dồn, đói góp” về cung-cầu cổ phiếu như đã từng xảy ra trên TTCK thời gian qua...
IPO dồn dập khiến cung chứng khoán có nguy cơ vượt cầu |
Doanh nghiệp “đua” phát hành cổ phiếu
Theo Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, diễn biến giao dịch trong 7 tháng đầu năm 2007 tại TTGDCK TP Hồ Chí Minh, có biến động tăng, giảm theo từng chu kỳ. Giai đoạn từ 2-1 đến 12-3, giá các loại chứng khoán tăng liên tục và cùng với đó, tổng khối lượng giao dịch của toàn thị trường tăng trưởng mạnh, đạt mức giao dịch bình quân khoảng 8 triệu cổ phiếu/phiên giao dịch. Từ 12-3 đến 24-4, thị trường điều chỉnh giảm, và từ 24-4 đến hết tháng 6, thị trường có sự tăng, giảm xen kẽ...
Bảy tháng đầu năm 2007 cũng đánh dấu thời kỳ lượng “cung” chứng khoán tăng mạnh. Từ đầu năm 2007 đến nay, có 66 công ty cổ phần phát hành chứng khoán ra công chúng để huy động vốn với tổng số cổ phiếu phát hành lên đến hơn 1,137 tỷ cổ phiếu, tổng giá trị phát hành hơn 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng loạt các quỹ, ngân hàng, Tổng Công ty lớn phát hành trái phiếu: trái phiếu chuyển đổi Quỹ tăng trưởng Malulife phát hành 25 triệu chứng chỉ quỹ; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát hành 3.350 tỷ đồng; Tổng Công ty Điện lực (EVN) phát hành 2.600 tỷ đồng; Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi...
Đặc biệt, phải kể đến một lượng cổ phiếu lớn được đẩy ra thị trường từ các IPO (phát hành lần đầu ra công chúng). Các TTGDCK đã tổ chức đấu giá cổ phần hóa cho 57 doanh nghiệp với gần 390 triệu cổ phiếu, chiếm 63,4% khối lượng cổ phần được chào bán, thu về cho Nhà nước hơn 20.000 tỷ đồng. Trong đó phải kể đến những doanh nghiệp lớn như Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ, Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Thác Mơ...
IPO dồn dập: Cung vượt cầu?
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, việc IPO dồn dập thời gian qua và kế hoạch IPO được xem là “cấp tập” trong thời gian tới (hàng loạt các ngân hàng thương mại quốc doanh lớn như Ngoại thương, Công thương, Đầu tư và Phát triển, Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long... đều có lộ trình IPO trong năm nay) khiến cho “cung” chứng khoán vượt “cầu” và là một trong những nguyên nhân khiến cho giá chứng khoán giảm mạnh.
Còn nhớ, vào thời điểm cuối năm 2006, khi TTCK “hừng hực cơn sốt”, nhà đầu tư chen chân lên sàn mở tài khoản giao dịch chứng khoán thì doanh nghiệp IPO đến đâu, cổ phiếu được nhà đầu tư “vét nhẵn” đến đó, nhiều khi bất kể “vàng, thau”. Nhưng ở thời điểm hiện nay thì diễn biến ngược lại. Không ít cổ phiếu được đánh giá là tiềm năng nhưng IPO vẫn trong tình trạng “chợ chiều”, thậm chí phải lo đấu giá lại vì nhà đầu tư thi nhau bỏ cọc. Rất nhiều ý kiến đã đề cập đến việc phải hoãn các đợt IPO lớn nhằm tránh tình trạng “bội thực” chứng khoán trong thời gian tới và cũng để đảm bảo sự phát triển ổn định của thị trường.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết, Bộ Tài chính chuẩn bị thành lập tổ hoạch định phát hành. Theo đó, các doanh nghiệp có kế hoạch IPO sẽ phải đăng ký với bộ phận chức năng này. Trên cơ sở tổng hợp toàn bộ số lượng doanh nghiệp có kế hoạch IPO, quy mô vốn, thời gian tiến hành..., tổ sẽ báo cáo đề xuất lộ trình IPO phù hợp cho các doanh nghiệp này, nhằm đảm bảo lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện đúng tiến độ, đồng thời đảm bảo cân đối cung cầu cho thị trường, tránh tình trạng “no dồn, đói góp” như trong thời gian vừa qua.
Cùng với đó, theo ông Vũ Bằng, hàng loạt các đề án quan trọng nhằm đảm bảo sự ổn định của TTCK cũng đang được UBCKNN xây dựng và hoàn chỉnh như đề án giám sát hoạt động TTCK, đề án thị trường trái phiếu chuyên biệt, đề án phí và lệ phí, đề án phát triển bền vững TTCK và ngăn ngừa khủng hoảng.
Thảo Nguyên