Interpol phải ra tay

ANTĐ - Đánh bắt cá trái phép trên Thái Bình Dương đã trở thành một vấn đề nhức nhối lâu nay khiến Interpol phải trực tiếp lên tiếng và ra tay góp phần can thiệp.

Các thành viên Hòa bình Xanh quyết liệt phản đối một tàu đánh cá voi

dù bị dùng vòi rồng phun nước xua đuổi

Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đã lần đầu tiên tổ chức cuộc họp nhằm bàn cách thức góp phần giải quyết nạn đánh cá bất hợp pháp trên thế giới. Sau cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-2 vừa qua tại thành phố Lyon của Pháp, Chương trình Tội phạm môi trường của Interpol đã quyết định lập một bộ phận chuyên theo dõi hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp trên toàn thế giới. 

Tham gia cuộc họp, Điều phối viên ở Thái Bình Dương của tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) Nathaniel Pelle cho rằng, nạn đánh bắt cá trái phép tại Thái Bình Dương là nhức nhối nhất trên thế giới hiện nay. Vì thế, theo ông, chính phủ các nước ở đại dương lớn nhất hành tinh này cần hợp tác với Interpol nhằm giảm thiểu nạn đánh bắt cá bất hợp pháp. 

Theo ông Pelle, nạn đánh bắt cá bất hợp pháp ở Thái Bình Dương ước tính lấy đi của khu vực này khoảng 2 tỷ USD/năm. Ngoài hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển Thái Bình Dương, nhiều khu vực gần bờ ở đại dương này đang trong tình trạng không bền vững về đa dạng thủy sản. 

Việc Interpol phải tổ chức hẳn một cuộc họp chuyên đề về hoạt động đánh cá bất hợp pháp ở Thái Bình Dương để rồi sau đó đề ra biện pháp giúp ngăn chặn cho thấy sự nghiêm trọng của vấn đề này. Điều này phần nào xuất phát từ nguyên nhân phía Tây và vùng trung tâm Thái Bình Dương là khu vực đại dương rộng lớn trong khi các quốc gia, nhất là các đảo quốc Thái Bình Dương, thiếu năng lực giám sát biển nên khó phát hiện, ngăn chặn hoạt động đánh cá bất hợp pháp. 

Đánh cá trái phép không chỉ gây thiệt hại lớn mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác, nhất là hủy hoại nguồn thủy sản và gây mâu thuẫn giữa các quốc gia khu vực. Trong đó, một trong những trường hợp điển hình là vụ lực lượng Tuần duyên Mỹ đã bắt quả tang con tàu mang tên Đại Thành của Trung Quốc sử dụng loại lưới vét dài tới 16 km đánh bắt 30 tấn cá ngừ và 6 tấn cá mập hồi trung tuần tháng 8-2012. Lưới vét đã bị nghiêm cấm trên toàn thế giới từ năm 1992 vì nó góp phần “tận diệt” nguồn thủy sản.

Ngoài việc các nước Nam Thái Bình Dương như Australia, New Zealand… bất bình, phản đối Nhật Bản trong vấn đề đánh bắt cá voi thì quan hệ giữa các nước khu vực cũng thường “nổi sóng” vì những hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp. Mới đây, lực lượng tuần tra bờ biển Nhật Bản bắt quả tang 1 tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt trộm san hô trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này trên vùng biển thuộc tỉnh Kagoshima. Nhật Bản đã thả tàu đánh bắt trộm của Trung Quốc sau khi Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Fukuoda (Nhật Bản) bảo lãnh cho khoản tiền phạt 4,28 triệu Yên (tương đương 49.716 USD) mà Nhật Bản phạt viên thuyền trưởng Trung Quốc.