[Infographic] Tuần dương hạm Mỹ từng bắn nhầm máy bay dân sự Iran khiến 290 người chết

ANTD.VN - Ngày 3/7/1988, cách đây 29 năm, máy bay chở khách Airbus A-300 203 B2, số hiệu IR655, tên đăng ký quốc tế EP-IBU của hãng hàng không Iran Air bị tuần dương hạm USS Vincenne (CG-49) bắn nhầm vì tưởng là máy bay F-14 của Iran trên vịnh Ba Tư. Thảm họa khiến 274 hành khách cùng 16 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Được tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO xếp vụ bắn nhầm này vào hạng thứ 9 trong những thảm họa hàng không tồi tệ nhất lịch sử. Ngày 3/7/1988, cách đây 29 năm, máy bay chở khách Airbus A-300 203 B2, số hiệu IR655, tên đăng ký quốc tế EP-IBU của hãng hàng không Iran Air bị bắn hạ trên vịnh Ba Tư.

274 hành khách cùng 16 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Thủ phạm gây ra thảm kịch là tuần dương hạm USS Vincenne (CG-49), lớp Ticonderoga, một trong những chiến hạm hiện đại nhất thời điểm đó. Đây được coi là một thảm họa không chỉ cho Iran mà cho cả hải quân Mỹ vì nhầm lẫn tai hại.

Tuần dương hạm của Mỹ phóng tên lửa về phía máy bay

Tuần dương hạm của Mỹ phóng tên lửa về phía máy bay

Chuyến bay IR655 có lộ trình từ sân bay Bandar Abbas trong hành trình đến Dubai, UAE. Ngay khi vừa cất cánh, chiếc A-300 lọt vào phạm vi kiểm soát của radar Aegis trên tuần dương hạm USS Vincenne.  

Lo ngại đây có thể là chiến đấu cơ F-14 của không quân Iran có thể đe dọa tàu hải quân Mỹ nên tàu tuần dương hạm USS Vincenne (CG-49) đề phòng cao độ. (Iran đã từng tấn công vào tàu hải quân Mỹ vào cuối năm 1987, cũng trong năm 1987 máy bay Iran bắn tên lửa diệt hạm vào tàu chiến Mỹ khiến 37 thủy thủ thiệt mạng. Năm 1988 tàu khu trục USS Samuel B. Roberts của Mỹ bị tấn công suýt chìm).

Trước đó Hải quân Mỹ cảnh báo tất cả các quốc gia Vùng Vịnh rằng, các máy bay dân sự phải sử dụng liên lạc VHF ở tần số 121,5 MHz, hoặc liên lạc khẩn cấp quốc tế ở tần số 243 MHz, để chuẩn bị xác minh danh tính và khai báo ý định với các chiến hạm Mỹ khi bay qua eo biển Hormuz, vịnh Ba Tư.

Rất có thể máy bay dân sự của Iran đã không kịp bổ sung 2 kênh liên lạc khẩn cấp này. Trong khi đó, chiếc A-300 không được trang bị các thiết bị có thể tiếp nhận tín hiệu liên lạc quân sự. 

Thủy thủ đoàn tàu CG-49 nói rằng họ đã cố gắng liên lạc với chuyến bay xấu số 7 lần trên tần số khẩn cấp quân sự và 3 lần trên tần số dân sự nhưng không nhận được phản hồi. Vì thế họ đã phóng tên lửa tiêu diệt mục tiêu dẫn tới thảm họa.