[Infographic] Tiêm kích J-11B Trung Quốc, thương vụ dang dở và bài học lớn cho Nga

ANTD.VN - Đặt mua số lượng lớn Su-27 để được lắp ráp và chuyển giao công nghệ trong nước, nhưng khi học mót được công nghệ sản xuất, Trung Quốc lập tức đơn phương hủy bỏ hợp đồng và tự sản xuất phiên bản chiến đấu cơ nhái trong nước, mang tên J-11B.

Vào đầu những năm 90, không quân Trung Quốc lép vế so với các cường quốc. Sự phát triển của chương trình tiêm kích nội địa J-10 "giậm chân tại chỗ" vì không nhận được sự trợ giúp công nghệ từ bên ngoài. May mắn lại mỉm cười với Bắc Kinh khi Liên Xô sụp đổ, Nga lâm vào cảnh khó khăn phải bán công nghệ và vũ khí bằng mọi cách để có tiền tái thiết kinh tế. Sau khi được Nga giới thiệu tiêm kích Su-27, Trung Quốc bị mê hoặc và tìm mọi cách để sở hữu loại chiến đấu cơ này.

Trung Quốc đã ký kết hợp đồng đầu tiên mua 26 chiếc Su-27SK vào năm 1991 và trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của loại tiêm kích này. Lô hàng thứ 2 bao gồm 22 chiếc được ký kết vào năm 1993, lô hàng thứ 3 bao gồm 28 chiếc được ký kết vào năm 1996. Tổng cộng Trung Quốc có 76 chiếc Su-27SK nhập khẩu trực tiếp từ Nga.

Sau khi đã đặt hàng số lượng khá lớn tiêm kích Su-27SK, năm 1995 Trung Quốc bắt đầu gạ gẫm Nga chuyển giao công nghệ để sản xuất Su-27SK tại nước này. Nhằm thuyết phục Nga, Bắc Kinh đã đặt lên bàn đàm phán số lượng chuyển giao công nghệ tới 200 chiếc, với tổng giá trị lên đến 2,5 tỷ USD, một số tiền cực lớn tại thời điểm đó.

Hợp đồng nhanh chóng được ký kết, phía Nga cũng cam kết sẽ giúp tăng dần tỷ lệ nội địa hóa. Tiêm kích Su-27SK sản xuất tại Trung Quốc được chỉ định là J-11 do công ty chế tạo máy bay Thẩm Dương đảm nhận. Chiếc tiêm kích J-11 đầu tiên sản xuất tại Trung Quốc được xuất xưởng vào tháng 12-1998.

Các thành phần chính của tiêm kích như động cơ, hệ thống điện tử, hệ thống điều khiển hỏa lực, radar được sản xuất tại Nga và chuyển đến Trung Quốc lắp ráp cùng một số bộ phận còn lại do nước này sản xuất. Đến năm 2004, khi số lượng sản xuất được khoảng 100 chiếc thì Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố ngưng hợp đồng và yêu cầu phía Nga ngừng chuyển giao linh kiện.

Tiêm kích J-11B của Trung Quốc chế tạo

Tiêm kích J-11B của Trung Quốc chế tạo

Lý do mà phía Trung Quốc đưa ra là Nga không chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ, hệ thống điện tử cho phía họ. Thêm nữa là hệ thống điều khiển hỏa lực do Nga sản xuất không phù hợp với loại tên lửa mà Trung Quốc chế tạo nên Bắc Kinh bắt buộc phải nhập khẩu tên lửa từ Nga để trang bị cho J-11...

Giới chuyên gia cho rằng, sở dĩ Trung Quốc đơn phương hủy bỏ hợp đồng vì đã sao chép được loại tiêm kích này trong nước với giá thành rẻ hơn nhiều, ngoài ra Bắc Kinh dần tiến tới xuất khẩu loại máy bay này để trực tiếp cạnh tranh với dòng Su27/30 của Nga. Vũ khí Trung Quốc thường được quảng bá với tính năng đỉnh cao trong khi giá chỉ bằng một nửa thậm chí 1/3 tiêm kích mà chính nó sao chép.

Dựa trên J-11, Trung Quốc đã sao chép thành một biến thể khác được chỉ định là J-11B. Điều này đã khiến ngành công nghiệp hàng không của Nga phải chịu những tổn thất nghiêm trọng. Thương vụ bán Su-27 cho Trung Quốc trở thành bài học đắt giá cho phía Nga. Hiện nay Nga rất coi trọng việc bảo vệ bí mật công nghệ với những loại vũ khí mới mà Trung Quốc đặt mua, thậm chí động cơ trên chiếc Su-35S còn được Nga hàn kín để đảm bảo rằng Trung Bắc Kinh không sao chép được.