[Infographic] Tại sao Nga nhiệt tình chào bán tiêm kích MiG-29 cho Ấn Độ

ANTD.VN - Nga đang chào bán một lô tiêm kích MiG-29 cho Ấn Độ. Tuy đứng trước nguy cơ thiếu hụt máy bay chiến đấu, nhưng Ấn Độ sẽ phải cân nhắc thiệt hơn nếu quyết định mua dòng máy bay này của Nga, do những yếu tố dưới đây.

Trước thềm chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman tới Moscow, Nga đã đề xuất bán 21 chiếc tiêm kích MiG-29 cho Không quân Ấn Độ (IAF) - lực lượng "đang rất khát" máy bay chiến đấu. Theo hãng tin Times Now News, đề nghị trên đã được phía Nga đưa ra và sẽ được thảo luận chi tiết trong thời gian chuyến thăm của Bộ trưởng Nirmala Sitharaman. Hiện tại, giá cả và các điều khoản khác của thỏa thuận, gồm cả chi phí bảo dưỡng vòng đời MiG-29 vẫn chưa được bàn thảo.

Có thể nhận thấy hãng chế tạo máy bay Mikoyan đang dần hụt hơi so với hãng Sukhoi. Họ đã liên tục để mất những hợp đồng mới vào tay đối thủ. Mặt khác kinh tế Nga cũng đang bước vào giai đoạn khó khăn khi chịu sự cấm vận của phương Tây cũng như cuộc chiến hao tài tốn của tại Syria, vì vậy đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí được coi là một trong những giải pháp hữu ích.

Tuy vậy phía Ấn Độ có đồng ý mua hay không lại là chuyện khác, dù Ấn Độ là đối tác quân sự lớn nhất của Nga. Việc mua tiêm kích MiG-29 sẽ có lợi khi Ấn Độ bổ sung được vào số phi đội máy bay chiến đấu sắp nghỉ hưu với số lượng lớn, mặt khác Ấn Độ cũng đang sử dụng loại máy bay này vì thế sẽ tiết kiệm được chi phí huấn luyện.

Tiêm kích MiG-29 do Nga sản xuất

Tiêm kích MiG-29 do Nga sản xuất

Mặc dù máy bay MiG-29 dù có độ cơ động rất tốt nhưng nó cũng là loại máy bay có chi phí duy tu bảo dưỡng rất cao, tuổi thọ khung thân và động cơ đều ở mức thấp, sẽ không kinh tế so với việc mua các loại máy bay khác có sức chiến đấu cao hơn hoặc có chi phí hoạt động thấp hơn.

Hiện Ấn Độ không chịu sự chi phối của bất cứ lệnh cấm vận vũ khí nào, vì vậy họ có thể tiếp cận được tất cả các máy bay chiến đấu, sẽ có nhiều phương án lựa chọn hơn là máy bay MiG-29. Nhưng cũng không loại trừ khả năng Ấn Độ sẽ mua MiG-29 vì Nga có thể cung cấp số lượng lớn trong thời gian ngắn, điều mà các đối thủ khác không có được. Nếu mua rất có thể Ấn Độ sẽ chọn phiên bản MiG-29STM.

Được ra mắt vào năm 1998, MiG-29SMT khác biệt với MiG-29 thông thường ở chỗ "cột sống" của máy bay đã được kéo dài ra hơn trước nhằm chứa được nhiều nhiên liệu hơn. Điều này đã khiến chiếc máy bay có bán kính chiến đấu được mở rộng lên 1.550km. Bên cạnh đó, MiG-29SMT cũng được nâng cấp lên khung máy bay mới, giúp trang bị được nhiều loại hệ thống điện tử hàng không hiện đại hơn.

Nhiều chuyên gia quân sự nhận định rằng, hiệu quả tác chiến của MiG-29SMT đã tăng gấp 3 lần so với biến thể MiG-29, đồng thời chi phí hoạt động đã giảm 40%. Điều này khiến MiG-29SMT được đánh giá là một trong những tiêm kích bảo vệ không phận chủ lực của Nga.