[Infographic] Nga-Thổ chốt S-400, gáo nước lạnh dội vào NATO và niềm vui lo lẫn lộn của Mỹ

ANTD.VN - Cuối cùng thì thương vụ S-400 trị giá 2,5 tỷ USD giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã được ký kết. Sự kiện này lập tức thu hút được sự chú ý của giới quan sát thế giới, bởi đây là điều chưa từng xảy ra giữa một thành viên NATO và Nga.

Ngày 29-12, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết một thỏa thuận về việc Moscow sẽ cấp cho Ankara các khẩu đội tên lửa đất đối không tầm xa S-400. Phía Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định thỏa thuận này sẽ thiết lập quan hệ hợp tác quân sự chặt chẽ giữa một thành viên của NATO với Nga.

Thỏa thuận S-400 có trị giá 2,5 tỷ USD và có hiệu lực trong hơn 1 năm, đang khiến cho các nước phương Tây lo ngại vì hệ thống này không thể hợp nhất với kiến trúc quân sự NATO. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này chỉ mua 2 khẩu đội S-400 và hệ thống này sẽ được vận hành độc lập bởi các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ.

NATO đã cảnh báo những hậu quả khi Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400, song Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vẫn khẳng định mối quan hệ vững chắc với NATO trong khi vẫn mua vũ khí Nga. Không giống như các loại vũ khí khác, hệ thống phòng không vốn phức tạp và đòi hỏi sự liên kết chia sẻ các dữ liệu giữa các thành viên NATO để tạo thành lưới lửa vững chắc bảo vệ toàn khối. NATO lo lắng khi hết hợp giữa S-400 vào hệ thống chia sẻ dữ liệu sẽ làm lộ bí mật của khối này cho Nga, đối thủ trực tiếp của họ. 

Thổ Nhĩ Kỳ đã từng liên hệ với NATO để mua các hệ thống phòng không. Tuy nhiên, Mỹ đã không bán mà chỉ đồng ý đưa các hệ thống này đến đặt trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ để làm cái ô che chở của khối cho nước này. Sau đó, vì lý do chính trị, Mỹ và Đức đã thu hồi các tổ hợp Patriot để làm con bài gây áp lực chính trị với chính quyền của ông Erdogan. Không chịu khuất phục điều này, ngay lập tức Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm đến Nga để mua hệ thống phòng không S-400.

Tuy nhiên Moscow khi quyết định bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, họ cũng thừa hiểu rằng, NATO và nhất là Mỹ sẽ tìm cách tiếp cận để nghiên cứu S-400 nhằm đưa ra phương án đối phó. Vì vậy có thể thấy đây là thương vụ mà không có người hưởng lợi toàn bộ, Nga ngoài nguồn thu lớn từ thương vụ, họ cũng đã thành công khi phần nào phá vỡ quy tắc thành viên NATO chỉ dùng vũ khí của NATO, bên cạnh đó họ còn đối mặt nguy cơ bị khối này và Mỹ nghiên cứu để vô hiệu hóa S-400 như họ đã từng làm với S-300. Trong khi đó NATO cũng lo sợ bí mật lưới lửa phòng không của họ bị lộ khi họ buộc phải liên kết với một loại vũ khí không phải được thiết kế cho chuẩn khối này.

Riêng Thổ Nhĩ Kỳ ngoài mối quan hệ có phần rạn nứt với Mỹ và NATO, họ còn có nguy cơ bỏ số tiền rất lớn nhưng chỉ nhận được phiên bản yếu tính năng của S-400, thậm chí nhiều chuyên gia cho rằng S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nhỉnh hơn S-300 một chút. Tất cả các bên hiện đều có những bước đi thận trọng để không thất thế trước đối phương.

Hệ thống phòng không S-400

Hệ thống phòng không S-400