[Infographic] Mỹ biên chế "móng vuốt quỷ biển" LRASM, chỉ một phát bắn là nhấn chìm tàu chiến 10.000 tấn

ANTD.VN - Với tầm bắn lên đến 560km mang theo đầu đạn nặng gần nửa tấn, tên lửa diệt hạm LRASM của Mỹ trở thành cơn ác mộng cho tàu chiến đối phương.

Mỹ đã thực hiện thành công vụ thử nghiệm thứ 6 loại tên lửa chống hạm tầm xa mới LRASM. Vụ thử nghiệm được diễn ra vào ngày 19-3 tại vùng biển California.

"Trong cuộc thử nghiệm, máy bay ném bom B-1B thuộc phi đội thử nghiệm 337 thuộc căn cứ không quân Dyess ở Texas đã phóng LRASM trên khu vực thử Sea Range tại Point Mugu, California. Tên lửa đã tấn công thành công mục tiêu trên biển và hoàn thành các mục tiêu thử nghiệm", Bộ quốc phòng Mỹ cho biết.

Ông David Helsel - Giám đốc chương trình LRASM tại Lockheed: "LRASM đã tự chứng minh khả năng của nó trong 6 lần thử nghệm liên tiếp... Sự đáng tin cậy và khả năng nổi bật của LRASM sẽ cung cấp một vũ khí vô song cho các máy bay chiến đấu của chúng ta trong các nhiệm vụ kiểm soát biển ở những môi trường tranh cãi".

Tên lửa JASSM-ER, tiền thân của tên lửa diệt hạm LRASM

Tên lửa JASSM-ER, tiền thân của tên lửa diệt hạm LRASM

Được phát triển vào năm 2015 và dự kiến đi vào trang bị trong không quân Mỹ vào năm 2018 và lực lượng không quân hải quân Mỹ vào năm 2019, AGM-158C LRASM được coi là loại tên lửa diệt hạm mới nhất và mạnh nhất hiện nay trên thế giới. Được phát triển dựa theo nguyên mẫu tên lửa không đối đất JASSM-ER của không quân Mỹ, nên LRASM có nhiều điểm tương tự về ngoại hình nhưng khác về tính năng chiến đấu.

So với JASSM-ER, LRASM được cho là có khả năng dẫn đường thông minh hơn, nhưng tầm bắn giảm còn khoảng 550km. Tầm bắn này chỉ bằng một nửa so với JASSM-ER nhưng lại gấp 4 lần tên lửa chống hạm Harpoon cũ. 

Với đầu đạn nặng gần nửa tấn, LRASM có thể dễ dàng vô hiệu hóa tàu chiến mặt nước nặng tới 10.000 tấn chỉ với một phát bắn. Ngoài ra, điểm lợi hại khác của LRASM đó là có thể phóng từ cả hệ thống Mk-41 tiêu chuẩn trên phần lớn các tàu tuần dương và khu trục hiện nay.