[Infographic] Iran bất ngờ hồi phục tiêm kích hạm F-14 'Mèo đực'

ANTD.VN - Không quân Iran đã từng là một lực lượng không quân mạnh nhất khu vực vào những thập niên 70, 80 khi được trang bị tới 79 chiếc máy bay F-14 Tomcat do Mỹ chuyển giao. Loại tiêm kích thời đó đóng vai trò "xương sống", trang bị trên các tàu sân bay của Mỹ, trong đó có cả USS Carl Vinson.

Mỹ đã bán một số lượng lớn tiêm kích hạm hạng nặng F-14 Tomcat cho Iran trong thời kỳ vua Shah nắm quyền từ năm 1976 - 1978. Đây là loại chiến đấu cơ cánh cụp cánh xòe chiếm ưu thế trên không, nòng cốt trong trang bị của các tàu sân bay Mỹ. Hiện Mỹ đã cho nghỉ hưu toàn bộ máy bay F-14 Tomcat để thay thế bằng máy bay F/A-18 Super Hornet.

Máy bay tiêm kích hạm F-14 Tomcat do Mỹ sản xuất

Máy bay tiêm kích hạm F-14 Tomcat do Mỹ sản xuất

Không quân Iran đã nhận được 79 chiến đấu cơ F-14 trong tổng số 80 chiếc đặt hàng và 285 tên lửa AIM-54 Phoenix trong tổng số 714 tên lửa đã đặt mua, cùng với đó là số lượng rất lớn tên lửa AIM-7 Sparrow. 

Sau khi quan hệ giữa Mỹ và Iran rạn nứt và đổ vỡ, mọi nguồn cung cấp phụ tùng cho những chiếc tiêm kích này bị cắt đứt. Thách thức phải duy trì hoạt động số F-14 Tomcat còn lại thực sự là một bài toán cực kỳ nan giải với Không quân Iran. Đã có lúc gần như toàn bộ số tiêm kích F-14A Tomcat phải nằm đất do thiếu phụ tùng thay thế. 

Tuy nhiên mới đây không quân Iran tuyên bố đã khắc phục được những vấn đề kỹ thuật để tiếp tục duy trì sự hoạt động của những tiêm kích F-14 này. Không những vậy, những máy bay này còn được nâng cấp mạnh mẽ về hệ thống điện tử để có thể tác chiến tốt trong chiến tranh hiện đại. Giới quan sát nhận định có thể Nga và Trung Quốc đã giúp Iran trong những vấn đề kỹ thuật trên. Có thông tin còn cho rằng những thay đổi mang tính cách mạng mà Iran đã thực hiện làm cho dòng tiêm kích đỉnh cao một thời của Mỹ này còn có thể mang được các vũ khí của Nga, Trung Quốc và thậm chí của Iran tự sản xuất.