[Info] Sức mạnh tàu sân bay Mỹ từng bị tiêm kích Su-27 Nga vờn tới 40 phút

ANTD.VN - Tiêm kích Su-27 Nga lượn trên đầu tàu sân bay USS Kitty Hawk suốt 40 phút mà không bị cản trở do sự thiếu sẵn sàng xuất kích của các chiến đấu cơ Mỹ trên hàng không mẫu hạm này.

"Ngày 17-10-2000, một cường kích Su-24 và tiêm kích Su-27 Nga bay qua đầu tàu sân bay USS Kitty Hawk trên biển Nhật Bản. Hành động này dường như đã khiến thủy thủ đoàn của con tàu bất ngờ, không kịp triển khai máy bay trực chiến lên chặn biên đội phi cơ Nga", Bộ Tư lệnh Di sản và lịch sử hải quân Mỹ viết trên trang web chính thức.

Đây được coi là thất bại đáng xấu hổ của hải quân Mỹ khi biên đội máy bay Nga lượn nhiều vòng qua tháp chỉ huy hàng không mẫu hạm USS Kitty Hawk ở độ cao chỉ 60 m mà không bị bất cứ chiến đấu cơ nào của không đoàn tàu sân bay cản trở.

"Biên đội Su-27 và Su-24 vọt qua đầu chúng tôi với tốc độ hơn 900 km/h. Họ lượn thêm hai vòng trước khi chúng tôi có thể cho một máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowler xuất phát. Tiêm kích Su-27 vờn quanh nó như thể một con gấu sắp ăn thịt con mồi, tổ lái Prowler phải gào lên cầu cứu trước khi chiến đấu cơ F/A-18 đầu tiên rời boong", một sĩ quan giấu tên trên đài chỉ huy USS Kitty Hawk khi đó tiết lộ.

Phi công Nga thậm chí còn chụp ảnh boong tàu sân bay Mỹ, cho thấy sự hỗn loạn khi thủy thủ đoàn cố gắng chuẩn bị cho chiến đấu cơ xuất phát, còn phần lớn máy bay đang trong trạng thái nghỉ, không thể cất cánh. Bức ảnh được Tư lệnh không quân Nga gửi tới hạm trưởng USS Kitty Hawk bằng email, trước khi được đăng trên tạp chí nội bộ của hải quân Mỹ vào năm 2003.

Đại tá Kevin Wensing, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương hải quân Mỹ, khẳng định nhóm tác chiến tàu sân bay Kitty Hawk đã phát hiện biên đội máy bay Nga qua radar và áp dụng hành động phù hợp. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng tàu sân bay Mỹ đã hoàn toàn bất ngờ và bị động trong sự việc này.

"Boong tàu rõ ràng không đủ điều kiện để tiêm kích xuất phát. USS Kitty Hawk mất tới 40 phút kể từ khi có lệnh xuất kích cho đến khi chiếc EA-6B Prowler cất cánh. Nó vốn không thể làm nhiệm vụ đánh chặn và cũng không phải đối thủ của biên đội chiến đấu cơ Nga", sử gia Mark Turner nhận xét.

"Các máy bay trên boong đáng lẽ phải duy trì trạng thái trực chiến cao và sẵn sàng cất cánh trong vòng chưa đầy 15 phút khi tàu sân bay di chuyển ở khu vực chiến lược gần Nga, Triều Tiên và Nhật Bản. Họ hoàn toàn bất ngờ và không sẵn sàng chiến đấu vào thời điểm đó", một cựu phi công tiêm kích hạm Mỹ từng triển khai ở biển Nhật Bản đánh giá.

Sự việc khiến hạm trưởng Allen G. Myers căng thẳng tới mức sau đó ra lệnh duy trì trạng thái trực chiến 24/24h, yêu cầu các tiêm kích F/A-18 xuất phát nhiều lần để giám sát những máy bay hoạt động gần USS Kitty Hawk. Không quân Nga tiếp tục điều máy bay tiếp cận nhóm tác chiến tàu sân bay USS Kitty Hawk, nhưng các tiêm kích Mỹ đều kịp xuất phát để xua đuổi từ xa.

Tàu sân bay USS Kitty Hawk

Tàu sân bay USS Kitty Hawk

USS Kitty Hawk (CV-63) là một siêu hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ. Nó là chiếc đầu tiên trong số 4 chiếc của lớp tàu sân bay này nhập biên chế, và cũng là chiếc cuối cùng xuất biên chế vào năm 2008. USS Kitty Hawk cũng là chiếc tàu sân bay chạy năng lượng thông thường cuối cùng phục vụ trong Hải quân Mỹ. Nó là chiếc tàu thứ hai của Hải quân Mỹ được đặt cái tên này, theo tên thị trấn Kitty Hawk, North Carolina, nơi anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay trên máy bay đầu tiên.

Trong suốt 10 năm cuối vòng đời, USS Kitty Hawk được bố trí tiền phương thường trực tại Căn cứ Hải quân Yokosuka, Nhật Bản. Nó được chiếc George Washington (CVN-73) thay thế trong vai trò này vào tháng 10-2008, quay trở về Hoa Kỳ, và buổi lễ đánh dấu con tàu ngừng hoạt động được tổ chức vào ngày 31-1-2009. Con tàu chính thức được cho xuất biên chế vào ngày 12-5-2009, sau gần 49 năm phục vụ. Tên nó được rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 20-10-2017; con tàu hiện đang neo đậu tại Bremerton, Washington và sẽ bị tháo dỡ.