[Info] Siêu tàu ngầm hạt nhân mạnh nhất của Mỹ hỏng mũi sau vụ va chạm ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hải quân Mỹ thông báo, tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut đã tự trở về và cập bến tại quân cảng Guam. Phần mũi tàu ngầm bị hư hại sau khi gặp sự cố trên Biển Đông. 

Hải quân Mỹ ngày 7/10 ra thông cáo cho biết tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Connecticut va phải một vật thể dưới mặt nước vào chiều 2/10, khi hoạt động trên vùng biển quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thêm rằng tàu ngầm không bị hư hại nặng sau sự cố và lò phản ứng hạt nhân vẫn hoạt động ổn định. Các quan chức hải quân Mỹ sau đó nói với truyền thông rằng tàu ngầm gặp sự cố tại Biển Đông, nhưng không nêu địa điểm cụ thể.

Quan chức hải quân Mỹ giấu tên cho biết không có dấu hiệu sự cố bắt nguồn từ hành động thù địch hay tàu ngầm va chạm với một phương tiện khác, thêm rằng hình ảnh do các hệ thống cảm biến trên tàu ngầm ghi nhận về địa hình lòng biển nơi xảy ra sự cố không thể hiện khối đá ngầm nào trước mũi tàu vào thời điểm va chạm.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng tàu ngầm USS Connecticut trang bị nhiều cảm biến hiện đại và các thiết bị thủy âm tiên tiến, nhưng môi trường hoạt động quá ồn ào trong lòng Biển Đông tấp nập, cũng như địa hình đáy biển gồ ghề, có thể là lý do gây ra cú đâm. Vụ va chạm này có thể gây thiệt hại kinh tế rất lớn do USS Connecticut là một trong ba chiếc thuộc lớp Seawolf, loại tàu ngầm tấn công đắt nhất thế giới.

Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut trong một nhiệm vụ bảo vệ tàu sân bay
Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut trong một nhiệm vụ bảo vệ tàu sân bay

Mỹ và Trung Quốc gần đây tăng cường các hoạt động tại Biển Đông, khi cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường ngày càng trở nên quyết liệt. Mỹ và đồng minh thường xuyên tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông, trong khi Trung Quốc cũng tăng cường đưa tàu quân sự tới khu vực và quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo phi pháp tại đây.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong họp báo hôm qua chỉ trích Mỹ "không minh bạch" về vụ va chạm tàu ngầm, yêu cầu Washington làm rõ về sự cố, gồm vị trí cụ thể, ý định hoạt động của tàu, loại vật thể mà tàu ngầm va phải và liệu có xảy ra rò rỉ hạt nhân gây ô nhiễm môi trường biển hay không.

Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut rẽ sóng trên đại dương
Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut rẽ sóng trên đại dương

Tàu ngầm lớp Seawolf của Mỹ được thiết kế với độ ồn thấp nhất hiện nay giúp chúng hầu như không bị đối phương phát hiện, chúng được ví như "F-22" của đại dương. Khả năng cơ động cao, trang bị vũ khí mạnh, Seawolf được coi là cơn ác mộng của tàu ngầm đối phương.

Nhiệm vụ chính của Seawolf là tiêu diệt tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Liên Xô, trước khi chúng có thể tấn công nước Mỹ. Mặc dù ra đời đã lâu nhưng Seawolf vẫn được xem là tàu ngầm tấn công hạt nhân hàng đầu thế giới. Bản thân các chuyên gia Nga cũng phải thừa nhận sức mạnh của Seawolf.

Do áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật cao nên đồng nghĩa với việc Seawolf có đơn giá “siêu khủng”, khi lên tới 8,5 tỷ USD. Vì vậy, tuy Hải quân Mỹ muốn có 29 chiếc loại này nhưng sau cùng chỉ có 3 chiếc được hoàn thành.