[Info] Mỹ ra tối hậu thư để Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ 'rồng lửa' S-400 Nga

ANTD.VN - Quan chức Mỹ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ có thể hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt cứng rắn từ Washington nếu tiếp tục theo đuổi thương vụ mua tên lửa phòng không S-400 từ Nga. 

"Chúng tôi nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với những hậu quả rất tiêu cực nếu hoàn tất hợp đồng mua tên lửa phòng không S-400. Họ còn hai tuần để quyết định lựa chọn khí tài Mỹ hay hứng chịu các biện pháp trừng phạt vì mua tên lửa Nga", quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên hôm qua cho biết.

Trong trường hợp Ankara tiếp tục theo đuổi thương vụ S-400, rất có thể họ sẽ bị loại khỏi chương trình tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ, không được bàn giao 100 chiếc F-35A đã đặt mua và có thể bị áp đặt nhiều lệnh cấm vận từ Washington.

"Thời hạn chót sẽ không thể trì hoãn thêm. Các nước thành viên NATO cần mua vũ khí có khả năng hiệp đồng với nhau. Khí tài Nga sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn đó", quan chức Mỹ cho hay, khẳng định Washington có thể đẩy nhanh tiến độ bàn giao tên lửa Patriot nếu Ankara từ bỏ S-400 Nga.

Thỏa thuận mua tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỷ USD được Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký vào tháng 12-2017, bất chấp phản đối gay gắt từ Mỹ. Những hệ thống đầu tiên dự kiến được bàn giao cho Ankara trong tháng 7, có thể đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu vào năm sau.

Hệ thống S-400 khai hỏa

Hệ thống S-400 khai hỏa

S-400 Triumf (NATO định danh là SA-21 Growler) được coi là hệ thống phòng thủ tầm xa tiên tiến nhất. S-400 cũng được xem là đối trọng của các hệ thống Patriot và hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Mỹ sản xuất. Một trong những lý do khách hàng tìm tới S-400 là Nga sẵn sàng bán miễn là khách hàng có tiền, trong khi đó Mỹ luôn bán vũ khí kèm theo thỏa thuận chính trị, trước đó Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần yêu cầu Mỹ bán hệ thống Patriot nhưng Washington khất lần, chính điều này buộc Ankara tìm tới Nga.

Bên cạnh đó, một nguồn tin khác nói rằng Nga có thể dễ dàng bàn giao hệ thống vũ khí S-400 chỉ trong vòng hai năm đầu tiên sau khi ký hợp đồng, điều mà Mỹ gần như không thể thực hiện.