[Info] Mỹ lệnh cho F-16 đâm vào máy bay khủng bố trong sự kiện 11/09

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Khủng bố đã cướp bốn chiếc máy bay thương mại để thực hiện vụ khủng bố hôm 11/09/2001, hai chiếc đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới, một chiếc đâm vào Lầu Năm Góc, chiếc còn lại nhắm Điện Capitol lao tới.

Sáng 11/9/2001, 46 phút sau khi chiếc máy bay mang số hiệu 93 của hãng hàng không Mỹ United Airlines cất cánh từ Newark (bang New Jersey) tới San Francisco, bốn kẻ cướp máy bay đã giành quyền kiểm soát chiếc Boeing 757-222. Lúc đó là 9 giờ 30 sáng.

Cũng sáng đó, hai máy bay bị cướp đã gây sốc toàn thế giới khi lao vào hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York. Chưa đầy 10 phút sau, một máy bay nữa lao vào Lầu Năm Góc ở Washington DC.

Đến 9 giờ 55 sáng, một trong những kẻ cướp máy bay là Ziad Jarrah, đã cài đặt lại chế độ tự lái cho chiếc máy bay cuối cùng quay đầu về phía đông, hướng tới Washington với mục tiêu là Điện Capitol ở Washington D.C.

Khi xác định chuyến bay mang số hiệu 93 đang được khủng bố hướng vào Điện Capitol, không quân Mỹ đã đưa ra quyết định quyết liệt, đó là lệnh cho phi công F-16 sẵn sàng làm nhiệm vụ cảm tử để đâm vào máy bay khủng bố để ngăn cản chúng.

Các phi công của Lực lượng Vệ binh Quốc gia (một phần của Không quân Mỹ), gồm Trung úy Heather “Lucky” Penney và Đại tá Marc “Sass” Sasseville đã nhảy vào buồng lái mà không chút do dự. Tuy nhiên, mọi chiếc F-16 trên đường băng đều không mang theo vũ khí. Việc gắn tên lửa vào các mấu cứng của máy bay lại mất quá nhiều thời gian, trong khi việc ngăn chặn máy bay khủng bố trở lên cực kỳ cấp bách.

Hai phi công quyết định cất cánh mà không có đạn dược. Kế hoạch của họ là xác định vị trí của United 93 và đâm chiếc tiêm kích của họ vào buồng lái hoặc cánh để ngăn nó đến đích và gây ra hủy diệt ở thủ đô.

Tuy nhiên, các hành khách của chuyến bay 93 bị cướp đã xô xát với những kẻ khủng bố, cố gắng giành lại quyền kiểm soát, và cuối cùng, chiếc máy bay đã lao xuống đất ở hạt Somerset, Pennsylvania.

Chiến đấu cơ F-16 được coi là dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 thành công nhất thế giới khi có tới 24 quốc gia sử dụng. Ước tính đã có gần 5.000 chiếc được sản xuất với nhiều phiên bản, trong số này phiên bản F-16C/D là loại phổ biến nhất trong không quân Mỹ.

F-16C/D Block 52 được coi là biến thể cực mạnh của dòng tiêm kích đa năng hạng nhẹ F-16. Thực tế chiến trường cho thấy F-16C/D Block 52 đã chứng minh là một chiến đấu cơ hạng nhẹ tốt nhất thế giới hiện nay. Biến thể F-16C/D Block 52 được đánh giá là đối thủ đáng gờm cho bất cứ máy bay chiến đấu nào đối trọng với chúng bao gồm cả tiêm kích hạng nặng dòng Su-27/30 của Nga.

Phiên bản này được tích hợp thêm các thùng dầu phụ vào thân trong khi vẫn bảo đảm được tính khí động học. Ngoài ra chúng còn được tích hợp radar mạng pha điện tử mạnh hơn để phát hiện mục tiêu từ khoảng cách gần 300 km, loại radar này có thể dẫn bắn và tiêu diệt chính xác mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết. Bên cạnh đó hệ thống tác chiến điện tử kết hợp radar tiếp nhận cảnh báo RWR và AN/ALQ-165 cho khả năng tự bảo vệ chống lại sự theo dõi của đối phương. Đây là một đặc điểm mà không nhiều máy bay có thể làm được.