[Info] Loại tàu ngầm Pháp vừa trượt hợp đồng thế kỷ tại Australia vào tay Mỹ và Anh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Giới chức Pháp chỉ trích Australia "phản bội" vì hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm lớp Barracuda trị giá gần 40 tỷ USD để theo đuổi thỏa thuận với Mỹ, Anh nhằm sở hữu tàu ngầm nguyên tử.

"Đây là cú đâm sau lưng. Chúng tôi thiết lập được quan hệ tin cậy với Australia và niềm tin này đã bị phản bội", Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói trên đài phát thanh hôm nay, sau khi Australia thông báo sẽ được Mỹ, Anh chuyển giao công nghệ để sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết, nước này đang nghiên cứu những biện pháp để hạn chế thiệt hại tài chính sau khi Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm ký với tập đoàn đóng tàu Naval Group, đồng thời để ngỏ khả năng Paris sẽ yêu cầu Canberra bồi thường.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly

Quan chức Pháp cũng chỉ trích Mỹ, cho rằng hành động của Washington thể hiện sự thiếu thống nhất trong giai đoạn hai nước đồng minh đang đối mặt với những thách thức chung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. "Quyết định tàn bạo, đơn phương và không thể dự đoán này khiến tôi nhớ về những hành động của ông Donald Trump. Đó là hành động phá vỡ niềm tin và tôi đang cực kỳ tức giận", Ngoại trưởng Le Drian nói thêm.

Chính phủ Australia hồi năm 2016 ký thỏa thuận trị giá 40 tỷ USD với tập đoàn Naval Group để chế tạo 12 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Barracuda, nhằm thay thế lực lượng 6 tàu ngầm diesel-điện lớp Collins sắp hết niên hạn. Điểm khác biệt giữa phiên bản đóng cho Australia là chúng không được trang bị động cơ hạt nhân, thay vào đó là động cơ điện - diesel.

Chính phủ Australia hồi tháng 6/2021 cho biết đang chuẩn bị kế hoạch dự phòng cho hạm đội tàu ngầm lớp Collins. Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Australia hồi tháng 8 tái khẳng định cam kết theo đuổi hợp đồng với những người đồng cấp Pháp.

Tuy nhiên, trong cuộc họp trực tuyến ngày 15/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison bất ngờ thông báo Mỹ và Anh sẽ cung cấp công nghệ và huấn luyện kỹ thuật để Australia chế tạo 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tàu ngầm diesel-điện lớp Collins hiện có của hải quân Australia

Tàu ngầm diesel-điện lớp Collins hiện có của hải quân Australia

Thủ tướng Morrison cho biết, Australia dự kiến đóng các tàu ngầm hạt nhân này ở thành phố miền nam Adelaide, nhấn mạnh Canberra sẽ tuân thủ mọi cam kết về không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Đây là lần đầu tiên Mỹ chia sẻ công nghệ động cơ hạt nhân cho một quốc gia kể từ sau lần chuyển giao cho Anh vào năm 1958. "Đó là công nghệ cực kỳ nhạy cảm, đây có thể coi là ngoại lệ với nhiều chính sách của chúng tôi. Điều này sẽ không diễn ra trong tương lai. Chúng tôi coi đây là sự kiện chỉ diễn ra một lần", quan chức giấu tên nói thêm.

Australia là quốc gia biển và sở hữu lực lượng hải quân hùng hậu, nhưng hiện chỉ có 6 tàu ngầm diesel-điện lớp Collins được biên chế từ năm 1996. Đây là phiên bản mở rộng của lớp tàu ngầm Type 471 do Thụy Điển phát triển, mỗi chiếc có lượng giãn nước 3.400 tấn khi lặn.

Tàu ngầm lớp Barracuda của Pháp

Tàu ngầm lớp Barracuda của Pháp

Chương trình tàu ngầm hạt nhân lớp Barracuda của Pháp là một trong số những dự án đầy tham vọng của nước này. Paris đã bỏ ra hơn 10,13 tỷ USD cho dự án. Dự tính Pháp sẽ đóng tổng cộng 6 chiếc nhằm tăng sức mạnh cho hải quân nước này.

Tàu ngầm Barracuda được xem là phiên bản thu nhỏ của tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Triomphant. Tàu được chế tạo để thay thế tàu ngầm lớp Rubis. Tàu được trang bị những công nghệ tác chiến dưới nước tiên tiến nhất của Pháp. Tàu có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra, chống tàu mặt nước, chống ngầm, tấn công mặt đất, trinh sát, thu thập thông tin tình báo, triển khai biệt kích.

Cảm biến chính trên tàu là hệ thống định vị thủy âm mảng pha đa chức năng do tập đoàn Thales của Pháp chế tạo. Người ta trang bị cho tàu hệ thống quản lý chiến đấu tích hợp SYCOBS cho phép đối phó hiệu quả với nhiều mối đe dọa khác nhau. Hệ thống cảm biến trên tàu có thể hoạt động ở chế độ chủ động hoặc thụ động. Tàu ngầm Barracuda sẽ được trang bị cột buồm lượng tử ánh sáng thay cho kính tiềm vọng. Ngoài ra, tàu còn được trang bị một radar để tìm kiếm mục tiêu mặt nước, hệ thống liên lạc vệ tinh, sóng âm.

Về vũ khí, tàu được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533 mm. Ống phóng này có thể khởi động ngư lôi hạng nặng Black Shark, hoặc phóng tên lửa chống hạm Exocet. Cơ số ngư lôi, tên lửa mang theo khoảng 18 quả. Tàu còn có khả năng phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Naval Scalp tầm bắn 1.000 km thông qua ống phóng ngư lôi. Tính năng này chỉ có ở trên tàu của Pháp.

Hệ thống bơm phun để di chuyển được trang bị trên tàu ngầm lớp Barracuda

Hệ thống bơm phun để di chuyển được trang bị trên tàu ngầm lớp Barracuda

Điểm mạnh của tàu ngầm lớp Barracuda so với các đối thủ khác là tàu được trang bị hệ thống bơm phun để di chuyển thay cho chân vịt. Hệ thống bơm phun gồm một máy bơm ly tâm cùng ống xả. Khi hoạt động, máy bơm sẽ hút nước từ phía trước và đẩy ra phía sau tạo lực đẩy tàu về phía trước.

Hệ thống bơm phun có ưu điểm giúp tàu di chuyển cực êm, không tạo ra bọt khí như sử dụng chân vịt. Ngoài ra, hệ thống còn giúp tàu cơ động hơn vì vòi phun có thể tạo ra lực đẩy vector, loại trừ nguy cơ vướng lưới hay các vật dụng khác, do không sử dụng chân vịt.

Bên cạnh đó, người ta còn lắp trên võ tàu một lớp gạch có khả năng hấp thụ sóng âm giúp tàu khó bị phát hiện hơn. Sự kết hợp giữa hệ thống bơm phun cùng gạch chống âm đem lại cho Barracuda khả năng tàng hình rất cao.