[Info] Bao giờ MiG-35 mới giúp hãng máy bay Nga thoái khỏi vũng tối?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Từng là hãng chế tạo chiến đấu cơ sánh ngang với Sukhoi với các siêu phẩm như MiG-21, MiG-29, MiG-25, MiG-31, tuy nhiên thời điểm hiện tại, hãng Mikoyan vẫn đang trong "vũng tối" khi không có sản phẩm đủ để chinh phục không quân các nước.

Trong khi Mỹ đang đẩy mạnh việc thử nghiệm và hoàn thiện tiêm kích Boeing F-15EX để bổ trợ cho F-35 thì Nga cũng thực hiện lộ trình tương tự với Mikoyan MiG-35 – dòng máy bay chiến đấu có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, được thiết kế để phá hủy các mục tiêu trên của kẻ thù cả ngày lẫn đêm, trong đó có cả mục tiêu cố định hay đang di chuyển, ở trên không lẫn trên mặt đất.

MiG-35 là sản phẩm nâng cấp của MiG-29K/KUB và MiG-29M/M2, hiện đang trải qua giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Ông Musheg Baloyan - Giám đốc Chương trình máy bay MiG-29M và MiG-35 tại Tập đoàn Máy bay MiG cho biết: “MiG-35 đang ở giai đoạn thử nghiệm chung cấp nhà nước và đã đạt được chứng chỉ sơ bộ để có thể đưa vào sản xuất thí điểm. Các phi công rất thích máy bay này vì chúng dễ vận hành và mang đến nhiều lợi thế”.

Chiến đấu cơ MiG-35
Chiến đấu cơ MiG-35

MiG-35 là thế hệ máy bay dòng 4++. Chúng được trang bị hàng loạt công nghệ hiện đại, tuy vậy số phận lại cực kỳ ảm đạm. Kể từ khi được công bố vào năm 2007, chương trình phát triển MiG-35 diễn ra tương đối chậm chạp.

Chỉ đến năm 2013, không quân Nga mới thông báo kế hoạch mua tổng cộng 37 chiếc máy bay này. Đến thời điểm hiện tại, tổng cộng 14 chiếc MiG-35 đã được sản xuất, trong đó có 6 chiếc đang trong quá trình thử nghiệm và 8 chiếc theo tiêu chuẩn đại trà. Nga vẫn là nhà khai thác và vận hành duy nhất của MiG-35.

Chiến đấu cơ MiG-35
Chiến đấu cơ MiG-35

Truyền thông Nga cũng phải thừa nhận, cho dù đã có nhiều thay đổi, nhưng chính hình dáng bề ngoài hầu như không thay đổi so với MiG-29 khiến chúng mất đi tính hấp dẫn, bên cạnh đó tuy có động cơ với hướng phụt đa chiều, nhưng động cơ RD-33MK này thực ra chỉ là bản cải tiến từ loại RD-33 vốn ra đời từ đầu thập niên 1970. Mặt khác, RD-33 chưa bao giờ được coi là một loại động cơ xuất sắc, chúng hoạt động khá tốn nhiên liệu và thường nhả ra những vệt khói đen ngòm.

Trước đó, ngay Bộ Quốc phòng Nga cũng từ chối đặt mua dòng chiến đấu cơ này, nhiều nguồn tin còn cho rằng, Nga bắt buộc phải mua MiG-35 để làm đòn bẩy cho việc quảng bá và xuất khẩu dòng máy bay này, và quan trọng nhất là để cứu hãng chế tạo máy bay Mikoyan khỏi bị phá sản.

Có lẽ hãng Mikoyan phải làm nhiều hơn nữa cho MiG-35- vì đây là cứu cánh duy nhất của họ trong thời điểm hiện tại- để dòng máy bay này trở thành mặt hàng 'hot' tương tự như Su-35, trước hết là sự tin dùng của chính không quân Nga, sau đó là không quân các nước vốn có truyền thống sử dụng máy bay của Nga.