Indonesia trong “cuộc chiến” tẩy trừ tư tưởng cực đoan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khoảng 600 tù nhân khủng bố hiện đang bị giam giữ tại các nhà tù của Indonesia, nhà chức trách đang nỗ lực hết sức để giúp họ thoát khỏi tư tưởng cực đoan và bạo lực. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã hạn chế một số sáng kiến của Indonesia trên mặt trận này.
Cảnh sát Indonesia di lý nghi phạm khủng bố từ sân bay Makassar đến Jakarta hôm 4-2-2021

Cảnh sát Indonesia di lý nghi phạm khủng bố từ sân bay Makassar đến Jakarta hôm 4-2-2021

Những người biết hối cải

Bà Dete Aliah gần 10 năm nay là Giám đốc điều hành của Hiệp hội chống Chủ nghĩa cấp tiến và bạo lực cực đoan (SeRVE), một tổ chức phi lợi nhuận ở Indonesia. Một tù nhân đặc biệt tên là Siti đã khiến bà suy nghĩ rất nhiều trong thời gian gần đây. Lần đầu tiên bà Dete Aliah gặp Siti là vào năm 2017, ngay sau khi người phụ nữ này bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất vì cố gắng đến Syria để gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Siti sau đó bị bắt vì tài trợ cho các hoạt động liên quan đến khủng bố và bị kết án 3,5 năm tù giam. Đó là lúc công việc của bà Aliah bắt đầu.

Trong quá trình thụ án, Siti vẫn rất ương bướng. Cô ta cảm thấy không có gì sai trái khi bỏ lại chồng và 3 đứa con để gia nhập IS. “Siti là một người rất cực đoan. Cô ấy từ chối hợp tác với giám thị và các quản giáo không biết phải làm gì vì ở nhà tù dành cho phụ nữ không có nhiều tội phạm khủng bố” - bà Aliah kể. Nhưng sau đó, Aliah gặp gỡ, trò chuyện với Siti để rồi thuyết phục cô ta từ bỏ một số niềm tin cực đoan.

Một trường hợp khác là Wartoyo, 44 tuổi, đã bị kết án tù vào năm 2011 khi tham gia kế hoạch đầu độc tại nhà ăn của cảnh sát. Lúc đầu ông từ chối hợp tác, thậm chí còn nhổ nước bọt vào một sĩ quan của Cơ quan Chống khủng bố quốc gia (BNPT). Wartoyo còn được chỉ định làm thủ lĩnh của 13 tù nhân khủng bố bị giam giữ tại nhà tù Cirebon ở Tây Java. Nhưng Wartoyo thay đổi quan điểm sau một đêm bị cơn đói giày vò. Ông kể: “Tôi gọi sang phòng giam bên cạnh, hỏi xem có ai còn thức ăn không. Một giọng nói đáp lại và bảo tôi đưa tay ra.

Người này sau đó đưa cho tôi túi nilon chứa cơm và mì gói. Sáng hôm sau, tôi lập tức đến phòng giam bên cạnh. Tôi cần biết ai đã cho tôi thức ăn đêm qua. Đó là một người đàn ông Trung Quốc theo Cơ đốc giáo bị giam vì tội ma túy. Tôi ôm anh ấy vì đã cứu mạng mình. Anh ấy đã giúp đỡ đồng loại mà không quan tâm tôi là một kẻ khủng bố hay là người luôn nghĩ rằng bất kỳ ai không theo đạo Hồi là kẻ thù. Sự tử tế đó đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn”. Sau đó, Wartoyo nhanh chóng tham gia các chương trình tẩy trừ tư tưởng cực đoan, mặc dù bị các tù nhân khủng bố khác tức giận. Wartoyo cho biết, ông từ chối các đề nghị ân xá vì cảm thấy mình xứng đáng với bản án 4 năm tù.

“Các tù nhân khủng bố dễ bị tổn thương nhất khi ở trong tù. Họ có nhiều thời gian hơn để suy ngẫm về những gì họ đã làm và họ cần ai đó để nói chuyện. Thời gian ở tù là cơ hội vàng để xây dựng lòng tin và thay đổi suy nghĩ của họ. Khi họ được tự do, việc tạo dựng những mối quan hệ tương tự và giành được sự tin tưởng của họ là điều không thể”.

Bà Dete Aliah (Giám đốc Hiệp hội chống Chủ nghĩa cấp tiến và bạo lực cực đoan Indonesia)

Một phần tử khủng bố khác đã quay đầu lại là Gilang Nabaris, 27 tuổi. Khi đang theo học kỹ sư máy tính, Gilang bắt đầu tham gia các nhóm Hồi giáo vì muốn ủng hộ chương trình nhân đạo ở Trung Đông. Anh ta được một nhóm yêu cầu gửi tiền vào một tài khoản ở Philippines để chứng minh lòng trung thành của mình. Nhưng số tiền cuối cùng được sử dụng để mua vũ khí sử dụng trong cuộc xung đột ở Marawi. Tháng 8-2017, Gilang bị bắt với cáo buộc tài trợ cho các hoạt động khủng bố. Khi ở trong tù, Nabaris dần nhìn thấy mọi thứ khác đi.

“Khi ở bên ngoài họ có vẻ đoàn kết thì lúc vào tù họ lại có những thù hận, tranh cãi, chia rẽ và nghi ngờ lẫn nhau. Nó khiến tôi suy nghĩ: Đây có phải là những người được cho là điều hành một nhà nước Hồi giáo? Tôi cũng nhận thấy rằng, các sắc lệnh từ Syria ngày càng vô lý. Chúng tôi được yêu cầu không ăn thức ăn trong trại giam, không buôn bán với những người không theo đạo Hồi. Chúng tôi được bảo rằng, cha mẹ của chúng tôi là kẻ ngoại đạo nếu họ không có cùng quan điểm” - Nabaris kể lại. Nabaris sau đó đã quyết định đăng ký vào chương trình “tẩy độc” của BNPT. Với bản án 4 năm tù, anh được giảm án 1 năm.

Phạm nhân một trại giam ở Jakarta gặp gỡ người thân trực tuyến sau khi các cuộc thăm thân bị ngừng lại nhằm phòng ngừa đại dịch Covid-19

Phạm nhân một trại giam ở Jakarta gặp gỡ người thân trực tuyến sau khi các cuộc thăm thân bị ngừng lại nhằm phòng ngừa đại dịch Covid-19

Nỗ lực giúp những “con sói” quay đầu

Theo Bộ Tư pháp Indonesia, có khoảng 600 tù nhân khủng bố hiện đang thụ án trong các nhà tù khắp cả nước. Trong số này, 150 người sẽ được trả tự do trong năm 2021. Quan tâm, hỗ trợ khiến họ quay lưng lại với cuộc sống cực đoan là công việc đòi hỏi trái tim và khối óc của nhiều người.

Chương trình xóa bỏ tư tưởng cực đoan của BNPT chủ yếu thu hút những tù nhân đã tự quyết định tách mình khỏi những ý tưởng cấp tiến. BNPT cũng mở các lớp học về khởi nghiệp và tư vấn tâm lý. Việc tham gia này không mang tính áp đặt, chỉ là khuyến khích để các tù nhân tích cực có thể được giảm án, tha tù sớm và tiếp cận viện trợ của chính phủ sau khi họ được trả tự do.

Bà Khariroh Maknunah - Giám đốc tiếp cận cộng đồng tại Viện Xây dựng hòa bình quốc tế của Indonesia cho rằng, khi bị giam giữ, các phần tử khủng bố có thời gian để suy ngẫm về quá khứ của họ và cần được hỗ trợ về mặt tinh thần. “Họ khao khát kết nối vì họ bị cô lập, thậm chí bị tẩy chay bởi những phạm nhân còn lại. Đó là lý do tại sao việc tiếp cận với các tù nhân khủng bố, xây dựng mối quan hệ và tạo niềm tin trong thời gian ở tù tương đối dễ dàng hơn so với khi họ được trả tự do” - bà Maknunah nói.

Các tổ chức phi chính phủ cũng có đóng góp quan trọng cho tiến trình này, trường hợp Machmudi “Yusuf” Hariono là một ví dụ. Đây là một chiến binh từng tham gia nhóm phiến quân vũ trang Abu Sayyaf ở miền Nam Philippines trong 2 năm và bị bắt do cất giấu chất nổ trong căn nhà thuê ở thành phố Semarang (Indonesia). Machmudi “Yusuf” Hariono bị kết án 10 năm tù, sau đó anh ta chỉ phải thụ án 6 năm do được ân xá. Hồi tháng 1-2020, Yusuf và Wartoyo đã thành lập một tổ chức có tên là Persadani Foundation để những người đã quay lưng với con đường khủng bố hỗ trợ lẫn nhau.

Nhóm hiện có 30 thành viên. Yusuf cho biết, cách tiếp cận của anh tùy thuộc vào hoàn cảnh, nhu cầu mỗi người. “Tôi từng gặp một tù nhân vẫn còn rất tin vào tư tưởng cực đoan của mình. Kể từ khi bị bắt, anh ta không có cơ hội gặp vợ con. Tôi đã quyên góp tiền để đưa gia đình đến thăm anh ta. Sau đó, anh ta nhờ tôi đưa vào chương trình tẩy trừ tư tưởng cực đoan của chính phủ để sớm được về nhà. Kết quả là anh ấy được ra tù sớm”.

Nhưng trong những tháng gần đây, đại dịch Covid-19 đã làm tăng thêm thách thức do các cuộc thăm viếng của các chuyên gia đã bị đình chỉ để ngăn ngừa dịch. Khi không có tương tác trực tiếp, các nhà hoạt động và chuyên gia cảm thấy “cuộc chiến” của họ khó khăn thêm bội phần.

Ông Robi Sugara - Giám đốc điều hành Trung tâm Khủng hoảng Hồi giáo Indonesia nói thêm: “Nhiều nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng, tiếp cận các tù nhân khủng bố ở mức độ cá nhân cùng chương trình can thiệp xã hội và giúp họ tái hòa nhập xã hội là những cách hiệu quả nhất để loại bỏ tư tưởng cực đoan. Trong thời kỳ đại dịch, chúng tôi chỉ giới hạn trong việc tổ chức các cuộc thảo luận và hội thảo trực tuyến nên không biết hiệu quả so với tiếp xúc trực diện đến đâu. Cho đến nay vẫn chưa có ai đưa ra được công thức phù hợp để giải quyết những thách thức này”.

Trong khi đó, Aliah vẫn đang lo lắng cho Siti, người sẽ được tự do vào tháng 7 này. Cô hy vọng rằng Siti sẽ không tham gia khủng bố hoặc gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. “Nếu không có Covid-19, tôi đã có thể đến gặp cô ấy bất cứ lúc nào. Tôi cần gặp trực tiếp để giúp cô ấy thay đổi quyết định” - Aliah nói.