Indonesia triệt phá đường dây sản xuất vaccine giả

ANTĐ - 15 người Indonesia đã bị bắt giữ vì cáo buộc liên quan đến một đường dây tội phạm sản xuất và phân phối vaccine giả cho các bệnh viện trên khắp nước này trong hơn một thập kỷ qua.

Indonesia triệt phá đường dây sản xuất vaccine giả ảnh 1Số vaccine giả bị nhà chức trách Indonesia tịch thu

“Ác quỷ đội lốt thiên thần”

Rita Agustina và chồng Hidayat Taufiqurahman từng đăng những bức ảnh tạo dáng bên những chiếc ô tô mới coóng và khoe căn biệt thự ba tầng của họ ở Bekasi, ngoại ô Thủ đô Jakarta. Nhưng nay, những hình ảnh này đang bị truyền thông xã hội lên án, khi mọi người mô tả họ là “ác quỷ đội lốt thiên thần”. “Hãy trừng phạt chúng thật nặng, giống như những kẻ khủng bố”, nhân viên tư vấn y tế Wimpie Pangkahila viết. 

Cặp đôi này bị bắt giữ hôm 23-6 với cáo buộc là chủ mưu đứng sau đường dây sản xuất và phân phối vaccine giả. Trong số các loại vaccine giả bị phát hiện có vaccine viêm gan C, viêm gan A, bệnh sởi và uốn ván. Vợ chồng ác quỷ đã cho người đi thu gom các lọ vaccine cũ đã qua sử dụng tại các bệnh viện, sau đó bơm vaccine giả, dán nhãn lại rồi bán cho các bệnh viện tư nhân và các cơ sở y tế tại một số tỉnh như Trung Java, Yogyakarta và Bắc Sumatra. 

Cho đến nay, 15 đối tượng đã bị bắt giữ. “Chúng tôi đang tập trung điều tra hoạt động phân phối để từ đó lần ra quy mô của đường dây này”, người đứng đầu cơ quan điều tra tội phạm kinh tế thuộc cảnh sát quốc gia Indonesia, ông Agung Setya ngày 27-6 cho biết. Theo ông Agung Setya, trong số 15 người vừa bị bắt giữ, 5 người phụ trách việc sản xuất vaccine giả, những người còn lại chịu trách nhiệm thu mua chai đựng vaccine đã qua sử dụng từ các bệnh viện, sau đó dán nhãn lại. Nhóm này cũng đảm nhận việc phân phối số vaccine giả này cho các cửa hàng và các công ty dược phẩm nhỏ. Ông Setya cho biết, các đối tượng trên  đang bị xem xét tội danh rửa tiền. 

Nhiều phụ huynh lo lắng

Đường dây này được cho là đã hoạt động tại Indonesia từ 13 năm trước. Sau hơn một thập kỷ, nó thu hút sự chú ý của chính quyền hồi đầu tháng này khi một bệnh viện ở Bogor, phía Nam Jakarta, báo cáo về sự bất thường trong một loại vaccine. 

Việc phát hiện đường dây sản xuất và phân phối vacine giả đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ những trẻ em bị tiêm bằng loại vaccine giả này gây ra. Hiện chưa rõ bao nhiêu trẻ em bị tiêm bằng vaccine giả và hậu quả mà nó có thể gây ra, nhưng số lượng trẻ phải tiêm lại có thể lên tới hàng triệu.

Vụ bê bối đã khiến những bà mẹ như Lany hết sức lo lắng. Chị đưa con gái 6 tháng tuổi tới một bệnh viện tư nhân ở Besaki đầu tháng này và tiêm vaccine ngừa uốn ván sau khi được thông báo rằng loại vaccine do Chính phủ cung cấp đã hết. Số tiền mà chị bỏ ra cho lần tiêm đó là 1 triệu rupiah và con chị đã bị sốt sau tiêm. Tuy nhiên, chị không biết liệu vacine đó có bị làm giả hay không. 

Giới chức y tế Indonesia đang kêu gọi các phụ huynh nghi ngờ con mình bị tiêm vaccine giả tiến hành tiêm vaccine lại ở các cơ sở y tế do Nhà nước quản lý. Bộ Y tế khẳng định việc tiêm chủng cho trẻ dưới 2 tuổi và trẻ trong độ tuổi tiểu học theo chương trình quốc gia là an toàn, đồng thời cho biết, số lượng vaccine giả lưu hành trên thị trường chỉ chiếm chưa đến 1%.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Nhóm phòng chống AIDS tại Indonesia và là người vận động lâu năm cho việc tiếp cận vaccine, Aditya Wardhana nói rằng, vụ việc trên cho thấy sự cần thiết phải xem xét lại chính sách liên quan đến vaccine. “Nếu các vaccine có giá phải chăng và dễ tiếp cận thì cơ hội cho những đường dây sản xuất vaccine giả như vậy sẽ không còn”, ông Wardhana nhấn mạnh.