Indonesia “nịnh” Trung Quốc để được lắp ráp tên lửa chống hạm C-705

ANTĐ -Hiện nay Indonesia đã cắt giảm mua máy bay chiến đấu Su của Nga và tên lửa hạm đối hạm, tên lửa vác vai của Trung Quốc, đồng thời mong giành được hợp đồng chuyển giao công nghệ tên lửa chống hạm C-705 sản xuất hoàn toàn trong nước.

Tạp chí quốc phòng Kanwa của Canada số ra tháng 11-2014 cho biết, trong buổi phỏng vấn Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro, ông đã tiết lộ, nước này đang có kế hoạch đóng 20 tàu chiến có chiều dài 40m và 60m, trang bị tên lửa chống hạm C-705 và C-802.

Hiện nay Indonesia đã cắt giảm mua máy bay chiến đấu Su của Nga và tên lửa hạm đối hạm, tên lửa vác vai của Trung Quốc, đồng thời mong giành được hợp đồng chuyển giao công nghệ tên lửa chống hạm C-705 sản xuất hoàn toàn trong nước. Cho nên, Indonesia rất hy vọng Trung Quốc đồng ý chuyển giao dây chuyền công nghệ lắp ráp tên lửa chống hạm này cho mình, hiện nay hai nước vẫn đang trong quá trình đàm phán.

Tên lửa chống hạm C-705 của Trung Quốc

C-705 là tên lửa hành trình chống tàu cận âm hạng nhẹ do Trung Quốc phát triển dựa trên mẫu C-704, dùng một số thành phần của tên lửa C-602. Loại tên lửa này được thiết kế để trang bị trên các tàu tên lửa nhỏ, tàu hộ vệ, máy bay, bệ phóng mặt đất. C-705 có trọng lượng 320kg, lắp đầu nổ nặng 110-130kg, trang bị động cơ tuốc bin phản lực cho tầm bắn 140km, độ bắn chính xác khoảng 95,7%. Đầu tự dẫn của C-705 có thể dùng radar chủ động, quang truyền hình hoặc hồng ngoại.

Tạp chí Kanwa dẫn nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, doanh nghiệp quốc phòng nước này đã cải tiến thành công tên lửa hành trình chống tàu cận âm C-705 cho nhiệm vụ tác chiến mục tiêu mặt đất với độ chính xác cao (CEP 10m), định danh là C-705G.