Indonesia hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ phát triển xe tăng cho lục quân

ANTĐ - Chính phủ Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ vừa ký kết một bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển và chế tạo một mẫu xe tăng hạng trung cho lục quân quốc gia Đông Nam Á này.

Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết, bản ghi nhớ đã được ký kết tại triển lãm quốc phòng “IndoDefence 2014” tại Jakarta hôm 7-11. Trước đó, hồi đầu năm 2014, hai nước đã ký kết một thỏa thuận sơ bộ về việc phát triển 2 mẫu thử nghiệm đầu tiên của dòng xe tăng này vào năm 2017. Dự kiến, dự án sẽ được bắt đầu vào cuối năm 2014.

Theo biên bản ghi nhớ, chương trình này sẽ do tập đoàn quốc doanh PT Pindad của Indonesia và Tập đoàn quốc phòng FNSS - một liên danh giữa tập đoàn Nurol Holdings của Thổ Nhĩ Kỳ và tập đoàn BAE Systems của Anh - thực hiện.

Xe tăng Tank AMX-13 tại xưởng của tập đoàn PT Pindad

Loại xe tăng mới này sẽ được chế tạo theo mẫu truyền thống với tháp pháo được trang bị pháo nòng xoắn cỡ 105mm, súng máy đồng trục 7,62mm kết hợp với một hệ thống điều khiển hỏa lực bằng máy tính. Để dễ dàng triển khai tại Indonesia, xe tăng dự kiến sẽ có trọng lượng khoảng 25 tấn.

Tập đoàn FNSS có kinh nghiệm về thiết kế, phát triển và chế tạo các loại xe bọc thép chiến đấu bộ binh cả bánh hơi và bánh xích, trong đó có dòng xe bọc thép chiến đấu bánh xích ACV, đã được sản xuất với số lượng lớn cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tháng 3-2013, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia đã ký thỏa thuận liên chính phủ về việc phát triển xe bọc thép nhằm đáp ứng nhu cầu của quân đội hai nước. Theo các nguồn tin công khai, hai nước sẽ hợp tác chế tạo xe bọc thép hạng nhẹ và hạng trung mới không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn có khả năng xuất khẩu sang nước thứ 3 trong tương lai.

Trong thời gian gần đây, Indonesia rất tích cực mua sắm vũ khí, trang bị mới cho lực lượng lục quân. Cuối tháng 11-2013, Indonesia đã mua 103 xe tăng hạng nặng Leopard 2A4 phiên bản nâng cấp và 43 xe chiến đấu bộ binh Marder 1A3. Cùng với việc mua sắm mới, Indonesia cũng tham gia các dự án hợp tác phát triển vũ khí mới với mục đích đa dạng hóa nguồn cung và tự chủ công nghệ quốc phòng.