ILO: Khoảng 205 triệu người thất nghiệp trong năm 2022, thế giới gia tăng đói nghèo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa đưa ra báo cáo Triển vọng việc làm và xã hội thế giới: Xu hướng 2021. Theo đó, cho đến hết năm sau, tiếp tục có hàng trăm triệu người không có việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình trạng đói nghèo gia tăng.

ILO dự kiến sẽ có 205 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu vào năm 2022, tăng cao so với mức 187 triệu năm 2019. Con số này tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp 5,7%. Không tính đến thời kỳ khủng hoảng Covid-19 thì năm 2013 là lần cuối ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp ở mức này.

Hàng trăm triệu người lao động trên thế giới thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Hàng trăm triệu người lao động trên thế giới thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong nửa đầu năm 2021 là châu Mỹ Latin và Ca-ri-bê, châu Âu và Trung Á. Ở những khu vực này, ước tính tổn thất về thời giờ làm việc đã vượt mức 8% trong quý 1 và 6% trong quý 2 trong khi con số tương ứng toàn cầu lần lượt là 4,8% và 4,4%.

Dự báo công cuộc phục hồi việc làm toàn cầu sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2021 nếu tình hình đại dịch về tổng thể không trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, tiến trình phục hồi này sẽ không đồng đều do việc tiếp cận vaccine không bình đẳng và hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi không đủ khả năng để triển khai các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ.

Việc giảm số việc làm và số giờ làm việc đã dẫn đến thu nhập của người lao động giảm mạnh và tỷ lệ đói nghèo gia tăng tương ứng. So với năm 2019, thêm 108 triệu người lao động trên toàn thế giới hiện được xem là nghèo hoặc cực kỳ nghèo (có nghĩa là họ và gia đình của họ sống với mức lương tương đương dưới 3,2 USD/người mỗi ngày). Điều này làm cho việc đạt được Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc về xóa nghèo vào năm 2030 càng trở nên khó khăn hơn.

Báo cáo cho thấy cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng đã làm cho tình trạng bất bình đẳng tồn tại từ trước trở nên tồi tệ hơn khi tác động mạnh hơn đến những người lao động dễ bị tổn thương.

Tình trạng thiếu bảo trợ xã hội phổ biến khi có 2 tỷ lao động trong khu vực phi chính thức trên thế giới, có nghĩa là sự gián đoạn công việc liên quan đến đại dịch đã gây ra những hậu quả thảm khốc đối với thu nhập và sinh kế của gia đình.

Cuộc khủng hoảng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phụ nữ. Việc làm của nữ giới giảm 5% vào năm 2020 so với 3,9% ở nam giới.