Về xử lý nước thải ở bệnh viện Đống Đa:

Ích nước lợi dân sớm ngày nào tốt ngày đó

ANTĐ - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đình Tiến - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Sở Y tế Hà Nội với PV Báo ANTĐ, về dự án trạm xử lý nước thải tại bệnh viện đa khoa Đống Đa.
Ích nước lợi dân sớm ngày nào tốt ngày đó ảnh 1
Ông Nguyễn Đình Tiến - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Sở Y tế Hà Nộ
Ông Tiến cho biết, năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, trong đó có bệnh viện Đống Đa. Năm 2007, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT, quy định các bệnh viện phải có hệ thống xử lý chất thải lỏng. Đối với bệnh viện đa khoa Đống Đa, ngày 30-7-2008, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định cho đầu tư xây dựng trạm xử lý chất thải.- PV: Ông có thể thông tin khái quát về trạm xử lý nước thải sẽ được xây tại bệnh viện Đống Đa? - Ông Nguyễn Đình Tiến: Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội, đến thời điểm này, 24 trên tổng số 25 cơ sở y tế lớn của Hà Nội đã có trạm xử lý nước thải. Triển khai sau cùng nhưng trạm xử lý nước thải của bệnh viện Đống Đa lại được áp dụng công nghệ xử lý hiện đại nhất hiện nay của Nhật Bản, đã được Bộ Khoa học - Công nghệ thẩm tra, áp dụng vào một số bệnh viện lớn của trung ương và Hà Nội. Trước khi quyết định lựa chọn công nghệ này, Sở Y tế đã đề nghị Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội đánh giá, thẩm định một lần nữa. Cùng với quá trình đi tham quan thực tế các công trình xử lý nước thải ở nhiều bệnh viện trên cả nước trong thời gian qua, tôi có thể khẳng định: trạm xử lý nước thải của bệnh viện Đống Đa vừa giúp xử lý triệt để chất thải, vừa hạn chế tối đa tác động đối với môi trường.
Ích nước lợi dân sớm ngày nào tốt ngày đó ảnh 2
Nằm giữa khu dân cư, trạm xử lý nước thải đối với bệnh viện Đống Đa là hết sức cấp thiết
- PV: Nguyên lý hoạt động của trạm thế nào, thưa ông? - Ông Nguyễn Đình Tiến: Quá trình lập hồ sơ dự án, chúng tôi phối hợp với bệnh viện Đống Đa đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, từ vị trí đặt đến việc phát huy cao nhất hiệu quả hoạt động của trạm xử lý nước thải. Hệ thống trạm xử lý nước thải gồm hai phần. Một là bồn xử lý nước thải được đặt nổi trên bệ bê tông (cao cách mặt đất 3 mét), với diện tích chiếm đất 175m2. Toàn bộ diện tích đất này nằm trong khuôn viên bệnh viện Đống Đa, gần bức tường ngăn với vườn hoa 1 - 6 và xa khu dân cư. Hai là bể ngầm thu nước thải với diện tích khoảng 15 - 20m2. Bể ngầm này được đặt trong sân khoa Chống nhiễm khuẩn và có hệ thống đường ống chừng 20 mét để dẫn vào bồn xử lý. Tất cả nước thải sinh hoạt, nước từ các bể phốt của bệnh viện sẽ được thu gom về bể thu, từ đó đưa vào bồn xử lý, trải qua các công đoạn xử lý theo đúng tiêu chuẩn rồi mới chảy vào hệ thống thoát nước chung của thành phố. Tôi muốn nhấn mạnh một chi tiết: nước thải đã qua trạm xử lý đều đạt tiêu chuẩn xả thải, nghĩa là có thể sử dụng để tưới cây hay rửa đường.- PV: Quá trình hoạt động, trạm xử lý liệu có tác động đến môi trường xung quanh? - Ông Nguyễn Đình Tiến: Gần như không có tác động, bởi việc thiết kế trạm đã được nơi sản xuất tính toán kỹ đối với về hệ thống thoát khí, tiếng ồn... - Xin cảm ơn ông!
 Đây là giải pháp đúng đắn

Tôi đã từng nhiều lần vào khám chữa bệnh tại bệnh viện Đa khoa Đống Đa và cảm thấy rất lo ngại khi bệnh viện này chưa được xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Do đây là bệnh viện Đa khoa cấp II, điều trị cả bệnh nhân bị bệnh lây nhiễm, người mắc HIV/AIDS… nên việc không có hệ thống xử lý nước thải sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân tại khu vực, đe dọa môi trường sống tại đây. Việc xây dựng trạm xử lý nước thải ở bệnh viện Đa khoa Đống Đa là giải pháp đúng đắn, kịp thời giải quyết tình trạng ô nhiễm nước thải bệnh viện, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh. Đây không chỉ là nguyện vọng thiết tha của tập thể cán bộ, công nhân viên bệnh viện Đống Đa mà còn là niềm mong mỏi của hàng nghìn người bệnh và người dân sống tại khu vực. Rất mong thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án - một công trình ích nước, lợi dân sớm ngày nào, tốt ngày đó...
Ông Trần Quý Đôn
(Nguyên Phó Giám đốc Viện Quy hoạch và Thiết kế
nông nghiệp - Bộ NN&PTNT, đã nghỉ hưu)