Ì ạch tiến độ cải tạo mương thoát nước Thụy Khuê

ANTD.VN - Không khí luôn trong tình trạng hôi thối, chuột bọ, rác rưởi, côn trùng gây bệnh lúc nào cũng thường trực, đó là thực trạng đã tồn tại từ nhiều năm nay ở các hộ dân sống cạnh con mương nước thải Thụy Khuê (quận Tây Hồ). Mặc dù, đã có dự án cải tạo và cống hóa con mương này từ lâu, nhưng đến nay câu chuyện ô nhiễm môi trường ở đây vẫn chưa biết đến khi nào mới chấm dứt...

Sống chung với ô nhiễm

Các con ngõ nhỏ dọc tuyến đường Thụy Khuê như ngõ 123, ngõ 125, ngõ 167, ngõ 199... là những nơi ít ai muốn đặt chân vào. Sở dĩ có cơ sự này không phải bởi chúng quá nhỏ mà do cứ bước vào đây là gần như tất cả mọi người đều phải nín thở bịt mũi để tránh thứ mùi hôi thối lúc nào cũng phảng phất trong không khí. Nằm giữa ngõ là một con mương nước đen kịt, sủi bọt, cứ lừ đừ chảy từ dốc La Pho đến tận cống Đõ mà cư dân ở đây dù đã sống hàng chục năm cũng không thể nào quen nổi với cái thứ mùi kinh khủng này.

Một đoạn mương Thụy Khuê ngập rác thải ô nhiễm

Bà Tống Thị Hoa, một cư dân trong ngõ 125 Thụy Khuê nói: “Chẳng cần kể khổ, các anh nhìn cũng đủ biết chúng tôi cực như thế nào. Con mương này đã tồn tại nhiều năm và càng ngày nó càng trở nên ô nhiễm khiến cuộc sống của người dân cứ như địa ngục. Hôi thối thì chỉ cần đứng đầu ngõ đã ngửi thấy. Rác thải thì dày và lâu ngày chúng đóng thành mảng lớn lềnh phềnh trên mặt mương. Đây chính là nguyên nhân khiến nước thải càng thêm ứ đọng không thế thoát được. Chính vì vậy mỗi khi trời mưa, nước cống và những thứ xú uế này lại tràn ngược vào nhà dân. Khi chúng rút đi, nhà ai cũng bị ám một thứ mùi tảnh tưởi mà cả tuần vẫn không hết”.

Cũng theo bà Hoa, thời gian vừa qua do không thể chịu được ô nhiễm nên nhiều gia đình đã buộc phải tìm cách bán rẻ nhà mình để chuyển đi nơi khác. “Nhưng đó là với những hộ có điều kiện, các hộ không có lựa chọn và phải bám trụ lại thì tự tìm cách “sống chung với lũ”. Đó là khắc phục bằng cách lắp cửa kính bịt kín và tự mua thuốc diệt muỗi, chuột để giảm bớt sự ảnh hưởng tiêu cực từ con mương này. Mương thoát nước Thụy Khuê là đường thoát nước thải chính của 2 quận Ba Đình và Tây Hồ. Tuy vậy, từ lâu lòng mương không được nạo vét nên tốc độ thoát của rất chậm” - bà Hoa nói.

Những gia đình sống quanh con mương nước thải lúc nào cũng bốc mùi hôi thối

Dĩ nhiên UBND quận Tấy Hồ hoàn toàn biết được những nỗi khổ này của người dân nên từ năm 2012, dự án “Cải thiện môi trường mương thoát nước Thụy Khuê” đoạn từ dốc La Pho đến cống Đõ được khởi công. Theo kế hoạch, dự án sẽ cống hoá mương Thuỵ Khuê bằng hệ thống cống hộp, có vỉa hè 2 bên cùng hệ thống cấp nước và chiếu sáng và dự kiến đến năm 2017 sẽ hoàn thành. Thế nhưng đến nay dù đã “lỡ hẹn” gần 1 năm, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn gần như không thay đổi.

Tốc độ rùa bò

Theo tìm hiểu của phóng viên mương thoát nước Thụy Khuê có tổng chiều dài khoảng 3km, trong đó đoạn chạy qua phường Thụy Khuê là 1,5km với khoảng 300 hộ dân nằm trong diện cần phải GPMB. Hiện nay cả tuyến mương vẫn đang được thi công nhưng tốc độ hết sức chậm chạp. Tại một số điểm đang xây dựng, máy móc, công nhân thi công theo kiểu nhỏ giọt còn gây ra tình trạng nhếch nhác, bừa bãi cho các hộ dân sống xung quanh.

Những đoạn mương thi công dở dang và kéo dài cũng gây phiền hà cho cuộc sống người dân

Ông Lê Đắc Cử, nhà ở dốc Tam Đa - một địa điểm đang thi công con mương Thuy Khuê than thở: “Ai đời con mương chỉ khoảng 3km mà suốt mấy năm trời vẫn chưa được làm xong. Khi chưa thi công thì dân khổ vì ô nhiễm, thi công thì dấn khổ bì máy móc, vật liệu lúc nào cũng bừa bãi, lầy lội vì bùn đất bẩn thỉu”.

Lý giải về những câu chuyện này, ông Nguyễn Công Quảng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án quận Tây Hồ cho rằng, sở dĩ dự án “Cải thiện môi trường mương thoát nước Thụy Khuê” chậm trễ là có nhiều nguyên nhân khách quan . Vấn đề đầu tiên là công tác GPMB hết sức khó khăn.

Mức độ thi công hết sức nhỏ giọt

“Hiện việc tìm chỗ ở tái định cư cho các hộ gia đình nằm trong diện cần phải giải tỏa theo quy hoạch vẫn chưa thể hoàn tất. Điều này dẫn đến tiến độ thi công chỉ có thể ở mức độ cầm chừng. Đó là chưa kể đến việc mương Thụy Khuê nằm trong ngõ nhỏ, mặt bằng vô cùng chật hẹp nên không thể ồ ạt đưa máy móc vào. Đơn vị thi công chỉ có cách làm dần dần từ hai đầu mương theo kiểu cuốn chiếu vào phía trong.

Bên cạnh đó, có nhiều hộ gia đình thuộc diện di dời đã được đền bù và nhận tiền, nhưng giờ đây lại chây ỳ không chịu bàn giao nhà, không hợp tác với các đơn vị chức năng. Do đó chúng tôi lại phải mất rất nhiều thời gian để làm công tác tư tưởng, vận động họ. Theo quy định, nếu mọi nỗ lực vẫn động không có kết quả thì các lực lượng chức năng mới được cưỡng chế. Thú thực là chúng tôi chưa thể chắc chắn được thời gian sẽ hoàn thành công trình khi mà phải vừa làm vừa vận động người dân” - ông Quảng nói.