Ì ạch tái khởi động dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi

ANTD.VN -Sau sự cố đưa và nhận hối lộ của một loạt quan chức ngành đường sắt và Công ty tư vấn giám sát GTVT Nhật Bản- JTC, dự án đường sắt đô thị số 1, Yên Viên- Ngọc Hồi đã bị tạm dừng và hiện dự án này đang được Bộ GTVT tái khởi động.

Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ chia dự án làm 2 giai đoạn, tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh lên mức 49.473 tỷ đồng.

Trong đó, giai đoạn 1, tập trung vào tổ hợp Ngọc Hồi (giảm quy mô 136ha/171ha so với trước đây), chưa đầu tư đoạn tuyến trên cao từ Giáp Bát đến Gia Lâm (giảm 11,5km). Giai đoạn 1 được Bộ GTVT phê duyệt dự điều chỉnh với tổng mức đầu tư  19.046 tỷ đồng.

Các phương án vị trí cầu vượt sông Hồng thuộc tuyến đường sắt đô thị Yên Viên-Ngọc Hồi

Giai đoạn 2 của dự án đang được Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA Đường sắt hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đế báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Chính phủ báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tháng 10-2018, đang hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu gói thầu san lấp mặt bằng khu tố hợp Ngọc Hồi để triển khai thực hiện ngay sau khi dự án được Quốc hội thông qua.

Đồng thời, Ban QLDA Đường sắt đang phối hợp với UBND huyện Thanh Trì thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khu tổ họp Ngọc Hồi. Đến nay, đã GPMB  được 47,2 ha/171 ha.

Năm 2018, dự án đã được bố trí 400 tỷ đồng để thực hiện công tác GPMB và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Bộ GTVT kiên nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Thanh Trì tiếp tục phối hợp thực hiện công tác GPMB dự án, trong đó năm 2018 tập trung thực hiện di dời nghĩa trang Yên Kiện và bảo vệ phần diện tích đã được giải phóng, tránh tình trạm tái lấn chiếm gây khó khăn khi dự án triên khai.

Cũng liên quan đến dự án này, Bộ KH-ĐT cho biết, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn 1 (phần thực hiện dự án) được giao 512 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước (vốn đối ứng) giai đoạn 2016 – 2020.

Về thủ tục điều chỉnh, dự án giai đoạn 1 sử dụng vốn đầu tư công trên 10.000 tỷ đồng, thuộc tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia. Theo đó, dự án thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư/quyết định điều chỉnh dự án. Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ GTVT thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án tuân thủ đúng quy định.

Còn đối với kiến nghị của Bộ GTVT về cân đối, bổ sung 1.410 tỷ đồng vốn đối ứng trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tiếp tục triển khai các bước tiếp theo, hiện nay kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước (vốn đối ứng) đã được giao hết, không còn nguồn để bổ sung đối ứng cho dự án theo đề nghị của Bộ GTVT.

Do vậy, Bộ GTVT cần cân đối, điều chỉnh từ các dự án khác trong phạm vi tổng nguồn vốn đối ứng đã giao cho Bộ, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Còn giai đoạn 2 của dự án, Bộ KH-ĐT cho biết năm 2012, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 24.825 tỷ đồng (vốn vay ODA 20.348 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.477 tỷ đồng).

Tuy nhiên, hiện nay tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn 2 dự kiến sẽ được điều chỉnh lên mức 30.427 tỷ đồng, tăng 5.602 tỷ đồng so với trước kia nhưng chưa được  Bộ GTVT thực hiện các thủ tục điều chỉnh.

Bộ KH-ĐT nhận định, đây là dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại khoản 1 điều 7 của Luật Đầu tư công. Bởi vậy, Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ GTVT thực hiện các thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư/quyết định điều chỉnh dự án theo quy định.

Tại thời điểm có quyết định đầu tư vào năm 2004, tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội này có tổng mức đầu tư 26.976 tỷ đồng để xây 28,7km đường sắt đô thị.