Hy vọng với mùa bánh Trung thu 2013

ANTĐ - Ngay từ những ngày đầu tháng 7 Âm lịch, phố phường  Hà Nội đã rực rỡ thêm bởi sự xuất hiện của các gian hàng trưng bày và bán sản phẩm bánh Trung thu của các doanh nghiệp.

Sức mua bánh Trung thu có dấu hiệu tăng

Ông Trần Quốc Việt - Tổng Giám đốc Kinh Đô miền Bắc cho biết, mùa Trung thu năm 2013, Kinh Đô dự kiến tung ra thị trường khoảng 2.400 tấn bánh Trung thu. Các sản phẩm của Kinh Đô được phân chia ra phục vụ nhiều phân khúc khách hàng. Cụ thể, dòng sản phẩm cao cấp Trăng Vàng có các sản phẩm: Kim Cương, Bạch Kim, Hoàng Kim, Hồng Ngọc... Bên cạnh đó là dòng bánh Mochi nhân mứt mang hương vị ẩm thực Nhật Bản. Ngoài ra còn có bánh trung thu dành riêng cho người ăn chay, ăn kiêng... 

Tại khắp các tuyến phố: Giảng Võ, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh, Trần Thái Tông, Cầu Giấy… gian hàng bánh Trung thu của công ty bánh kẹo Hải Hà, Tràng An, Bibica, Bánh mứt kẹo Hà Nội… đã được dựng lên và bán hàng từ đầu tháng 7. “Vì mới đầu mùa nên khách mua vẫn thưa thớt. Tuy nhiên, ngày nào chúng tôi cũng có khách, không đìu hiu như năm ngoái” - chị Thanh Xuân, nhân viên bán hàng của công ty bánh mứt kẹo Hà Nội tại ngõ 91, đường Nguyễn Chí Thanh cho hay.

Theo bà Nguyễn Thị Ngân (chủ cửa hàng tạp hóa trên phố Nguyễn Văn Cừ - quận Long Biên), bánh Trung thu của các hãng đã có mặt trên thị trường nhưng hiện tại sức mua vẫn chưa có dấu hiệu đột biến so với cùng kỳ năm ngoái. “Hàng bán vẫn tương đối chậm. Hiện tại mới chỉ có một số khách mua biếu hoặc mua đi lễ dịp lễ Vu Lan” - bà Ngân nói.

Về giá cả, bà Ngân cho biết, các cửa hàng tạp hóa, đại lý nhập chủ yếu bánh ở phân khúc trung bình vì lượng khách có nhu cầu lớn. Giá mỗi chiếc bánh tăng trung bình từ 3.000-4.000 đồng. 

Tìm hiểu nguyên nhân tăng giá, được biết do chi phí đầu vào như: nhân công, vận chuyển, điện, nguyên phụ liệu làm bánh đã tăng. Nhân viên bán hàng của gian hàng bánh Hữu Nghị trên đường Lê Văn Lương cho rằng: “Mức tăng này vẫn là thấp so với thực chi phí của các doanh nghiệp. Nhưng do sức mua vẫn chậm được cải thiện nên doanh nghiệp không dám mạnh tay”.

Dự báo về nhu cầu tiêu thụ bánh Trung thu trong năm nay, ông Trần Quốc Việt nói: “Chúng tôi dự kiến sẽ tăng sản lượng nhưng tăng bao nhiêu ở thời điểm này chưa tiết lộ được”. Theo các chuyên gia thị trường, sở dĩ năm nay, bánh Trung thu vào mùa sớm hơn và có dấu hiệu tiêu thụ tăng vì theo quy luật, người dân không thể tiếp tục thắt chặt chi tiêu liên tục trong nhiều năm. Nền kinh tế đang bắt đầu có tín hiệu khởi sắc. Nắm bắt tâm lý này, các doanh nghiệp đã tăng cường quảng bá, tuyên truyền đến người dân về Tết Trung thu, coi đây như một cái Tết lớn thứ hai của người Việt trong năm để tranh thủ sự ủng hộ của người tiêu dùng.

Theo chị Nguyễn Ý Lan (khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính), hai ba năm nay, người dân đã thắt chặt chi tiêu nên năm nay, nhiều người muốn chuẩn bị Tết Trung thu đầy đủ hơn cho gia đình. Nhiều công ty quan tâm hơn đến đời sống nhân viên. Mặt khác, “nhiều người tiêu dùng hoang mang với bánh Trung thu nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc. Cách đây vài ngày, trên các trang mạng xã hội đã lan truyền thông tin về việc một loạt bánh Trung thu Trung Quốc không được người dân nước này sử dụng và chỉ để… xuất khẩu. Nguyên nhân là do lô bánh này là bánh mốc từ năm ngoái, được chế biến lại, không đảm bảo an toàn với sức khỏe người sử dụng nên chắc chắn bánh Trung thu của doanh nghiệp Việt Nam sẽ là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng”- chị Lan chia sẻ.

Thông tin từ các doanh nghiệp cho biết, bên cạnh việc cung ứng bánh Trung thu cho thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp còn xuất khẩu ra nước ngoài. Ví dụ như Kinh Đô đã xuất 5 container bánh Trung thu sang Mỹ và Campuchia...