Hy vọng mới cho cuộc khủng hoảng chính trị Libya

ANTD.VN - Trong một động thái được coi là hoàn toàn bất ngờ, chỉ huy lực lượng vũ trang ở miền Đông Libya, Tướng Khalifa Haftar vừa lên tiếng kêu gọi Liên hợp quốc hỗ trợ chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị trong nước. 

Thủ tướng Fayez al-Sarraj (bên phải) và Tướng Khalifa Haftar trước cuộc gặp tại Thủ đô Paris (Pháp) năm 2017

Lời kêu gọi trên được Tướng Haftar đưa ra trong cuộc gặp với người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) Ghassan Salame ở thành phố miền Đông Benghazi ngày 2-3. Ông Haftar nhấn mạnh cuộc khủng hoảng Libya đã khiến người dân phải sống trong đau khổ và thất vọng. Vì thế, chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị càng sớm sẽ càng tốt cho nhân dân Libya.

Libya rơi vào bất ổn sau cuộc chính biến lật đổ cố lãnh đạo Moammar Gadhafi hồi năm 2011. Các lực lượng nổi dậy cũ từng cùng nhau chiến đấu để lật đổ nhà độc tài lại quay sang xung đột để tranh giành quyền kiểm soát. Hai năm trước, Libya đã có hai Chính phủ và hai Quốc hội cạnh tranh với nhau, một ở phía Đông và một ở Tripoli sau khi diễn ra trận đánh tranh giành Thủ đô hồi năm 2014.

Thỏa thuận được Liên hợp quốc hậu thuẫn về việc thành lập một Chính phủ thống nhất từ đó đã trở thành trọng tâm của các cuộc đàm phán. Tuy vậy, quốc gia Trung Đông này vẫn bị chia rẽ thành hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) có trụ sở tại Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo, được quốc tế công nhận và một chính quyền đối lập do Tướng Haftar, Tư lệnh Quân đội quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn đóng tại miền Đông.  

Trải qua nhiều lần đàm phán không thành công, tháng 9-2017, đặc phái viên Liên hợp quốc Salame đã khởi xướng một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Libya, trong đó có việc sửa đổi thỏa thuận chính trị được Liên hợp quốc bảo trợ và tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống trước cuối năm 2018. Kế hoạch của người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc ở Libya nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của Thủ tướng Chính phủ GNA khi ông Sarraj cho rằng việc tổ chức một cuộc bầu cử có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này.   

Tuy vậy, vẫn chưa có gì là chắc chắn. Liên hợp quốc từng nhiều lần thất bại trong việc giải quyết bất đồng giữa các phe phái ở Libya. Việc thực hiện thỏa thuận còn phụ thuộc nhiều vào các quốc gia “chi phối” tình hình Libya, các lực lượng dân quân, các bộ tộc và các lực lượng chính trị cũng như tôn giáo khác nhau đang chia cắt Libya. 

Tướng Haftar thì ngược lại. Sau 3 năm chinh chiến, LNA của ông đã giành được Benghazi, thủ phủ của vùng Cyrenaica. Ngoài ra, quân đội của ông còn nắm quyền tại một số vùng phía Nam Libya và các vùng bao quanh Sirte, lưu vực chứa dầu lớn nhất ở Libya. Hiện chỉ còn khu vực Thủ đô Tripoli là nằm ngoài sự kiểm soát. Về mặt chính trị, Tướng Haftar được Quốc hội và ông Tobruk - người được bầu một cách dân chủ và là người duy nhất được cộng đồng quốc tế công nhận - hỗ trợ. Tuy nhiên, một số nước phương Tây có can dự tới tình hình chính trị tại Libya vẫn giữ khoảng cách với vị Tướng này bởi họ đã cam kết ủng hộ ông al-Sarraj. 

Theo dàn xếp của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cuối năm 2017, Thủ tướng  Fayez al-Sarraj và Tướng Khalifa Haftar đã lần đầu tiên gặp nhau tại Paris để nhất trí về việc tiến hành một cuộc bầu cử trong năm 2018. Sự kiện này đã mở ra một viễn cảnh có thể giúp Libya thoát khỏi sự hỗn loạn bằng một cuộc bầu cử theo đề xuất của Liên hợp quốc.

Tại cuộc gặp, Tướng Haftar đã bắt tay Thủ tướng Libya, nhất trí tiến hành một thỏa thuận ngừng bắn và tổ chức bầu cử. Song chỉ vài giờ sau cuộc gặp, ông Haftar đã phơi bày thực trạng chính trị Libya rạn nứt sâu sắc khi nói rằng bất kỳ việc ngừng bắn nào cũng chỉ có giới hạn, rằng ông thực sự chẳng quan tâm tới bầu cử và hội đồng chia sẻ quyền lực của Thủ tướng Sarraj đang nằm trong tay của những kẻ khủng bố.       

Tướng Haftar đã nhiều lần bác bỏ Hội đồng Tổng thống được Liên hợp quốc hậu thuẫn của Thủ tướng Sarraj, thậm chí còn cho rằng một số thành viên hội đồng này là thuộc tổ chức khủng bố al-Qaeda. Ông cho rằng các phiến quân Hồi giáo sẽ bị đánh bại khi lực lượng LNA của ông giành được chỗ đứng với sự hậu thuẫn của các đồng minh mạnh như Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất và Nga. Ông nhấn mạnh: “Tôi không quan tâm tới bầu cử. Tôi quan tâm tới tương lai Libya sẽ là một Nhà nước dân sự và ổn định”. 

Tuy nhiên, giới ngoại giao cho rằng bất chấp những gì ông Haftar đã phát ngôn, thực tế việc ông đồng ý trên nguyên tắc giải quyết khủng hoảng thông qua thỏa thuận chính trị và bầu cử đã có thể coi là đột phá. Tuy nhiên, vẫn còn phải giải quyết những bất đồng lớn về việc thành lập Hội đồng Tổng thống, vai trò kiểm soát dân sự đối với quân đội Libya tương lai và vị trí nào ông Haftar có thể đảm nhận trong Chính phủ thống nhất. 

Còn theo đặc phái viên Liên hợp quốc Salame, các cuộc bầu cử có thể được tổ chức nếu các phe phái tại Libya cam kết rằng bất cứ người nào đắc cử sẽ thay thế cho người đang nắm vị trí hiện tại, chứ không phải là thêm một vị trí mới vào bên cạnh vị trí sẵn có.