Hy vọng hồi sinh sân khấu Việt bằng nhạc kịch Broadway

ANTĐ - Sau thời gian trì trệ, sân khấu Việt có thể sẽ hồi sinh với sự xuất hiện của các tác phẩm nhạc kịch Broadway, thể loại đang chiếm lĩnh hầu hết các sân khấu trên thế giới. Sở dĩ nói như vậy là bởi, các tác phẩm nhạc kịch Broadway hướng tới khán giả trẻ nhiều hơn và hấp dẫn bất cứ ai bởi sự cộng hưởng của âm nhạc, nhảy múa và tính kịch.

Hy vọng hồi sinh sân khấu Việt bằng nhạc kịch Broadway ảnh 1Vở nhạc kịch “Góc phố danh vọng”

Hướng đi mới của sân khấu Việt

Một số vở nhạc kịch từng ra mắt tại Việt Nam như Góc phố danh vọng, Đêm hè sau cuối… đã cho khán giả thấy sức hấp dẫn của một thể loại sân khấu phổ biến trên thế giới. Do mang tính đại chúng bằng cách tập trung cho lời thoại và sử dụng các thể loại âm nhạc thịnh hành trên thế giới như Rock&Roll, Pop, R&B… nên nhạc kịch rất thu hút khán giả trẻ.

Dù các vở diễn này mới dừng lại ở quy mô nhỏ hẹp và chưa đạt tới độ xa hoa, lộng lẫy thực sự của các vở nhạc kịch Broadway nhưng tính dự báo và mở ra một hướng đi của sân khấu Việt là có thật. Gần đây nhất, Nhà hát Tuổi trẻ vừa đăng tuyển diễn viên cho vở nhạc kịch quy mô và chính thống đầu tiên mang tên 

“Majorin, cô bé phép thuật”, có sự phối hợp với Nhà hát Nhạc kịch Shiki (Nhật Bản). Điều đó cho thấy, bên cạnh loại hình kịch nói và ca múa nhạc vẫn theo đuổi, một trong các nhà hát công lập Việt Nam như Nhà hát Tuổi trẻ đã bắt đầu những bước đi đầu tiên nhằm đưa đến người xem các tác phẩm nhạc kịch chuẩn mực. 

Nghệ sỹ Như Lai, Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Khán giả đã quá quen với kịch nói, ca kịch, kịch múa, giờ có thêm một loại hình như nhạc kịch sẽ rất tốt. Tôi tin, trong một thời gian ngắn, sân khấu Việt sẽ mang hình hài của sân khấu thế giới bằng sự xuất hiện của loại nhạc kịch Broadway”.

Tuy vậy, để loại hình này biểu diễn tại Việt Nam lại cần một thế hệ diễn viên siêu việt và năng động hơn, tức là, nghệ sỹ không chỉ diễn được mà còn phải nhảy múa và hát. Dàn diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ dù tài năng nhưng cũng rất ít nghệ sỹ đáp ứng  đủ 3 tiêu chí này. Và ngay với những người được tuyển thì phía Nhật Bản buộc phải đào tạo lại trong 2 năm, trước khi bắt tay vào dàn dựng chính thức. Vở diễn sẽ ra mắt vào năm 2018.  

Điểm yếu trong đào tạo diễn viên

Sự xuất hiện của một loại hình mới như nhạc kịch Broadway đã bộc lộ điểm yếu của diễn viên Việt Nam, đó là chỉ dừng lại ở kỹ năng diễn xuất mà không thể kết hợp nhiều kỹ năng cùng lúc. NSND Lê Khanh từng chia sẻ, khi giảng dạy cho diễn viên tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, chị luôn yêu cầu các em kỹ năng diễn xuất đa dạng như phải biết nhảy múa, ca hát bên cạnh khả năng diễn để theo kịp thế giới.

Và các diễn viên do chị giảng dạy đáp ứng được yêu cầu này khi ra trường rất thuận lợi trong công việc. Các em không bị lúng túng trước đòi hỏi khắt khe của đạo diễn và thường làm chủ sân khấu rất tốt.

Nhưng không nhiều giảng viên nắm bắt được xu hướng mới này của thế giới nên việc truyền thụ kiến thức cho diễn viên đang trở nên lạc hậu so với sự phát triển của sân khấu quốc tế. 

Bên cạnh yếu tố diễn viên, nhạc kịch chuẩn mực Broadway còn đòi hỏi sự tỉ mỉ trong dàn dựng, sự cầu kỳ về trang trí sân khấu. Tại đây, khán giả hoàn toàn bị choáng ngợp từ không gian, ánh sáng, cách chuyển đổi sân khấu sau mỗi màn cho đến các diễn viên tài năng.

Vì thế, dù mang tính đại chúng nhưng nhạc kịch Broadway lại là thể loại thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao với khán giả am hiểu nghệ thuật. Nhưng trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho các nhà hát công lập đang bị cắt giảm, để dàn dựng được các vở nhạc kịch lộng lẫy theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, các nhà hát phải huy động nguồn kinh phí xã hội hóa.

Có thể nói, dàn dựng nhạc kịch Broadway đồng nghĩa với việc cả diễn viên và nhà quản lý phải năng động hơn, tài giỏi hơn trong diễn xuất và khả năng kêu gọi tài trợ. Vì thế, với luồng sinh khí mới này, nhạc kịch Broadway hầu như đã phá vỡ sự trì trệ của sân khấu Việt và mở ra một con đường tươi sáng hơn, hướng tới khán giả trẻ.

Mọi dự đoán về sự hồi sinh của sân khấu Việt có thể còn quá sớm nhưng việc dứt bỏ một cách làm việc đã cũ, lệ thuộc vào bao cấp ít nhiều đã mang lại bộ mặt mới cho nền sân khấu nước nhà.