Hy vọng “giải cứu” trái đất

ANTĐ - Không ít quan chức môi trường các quốc gia trên thế giới đã có cảm giác như vậy khi Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 17 (COP 17) cuối cùng cũng đã đạt được một thỏa thuận để mở đường cho một hiệp ước mang tính ràng buộc về pháp lý nhằm thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012.

Thành viên một tổ chức bảo vệ môi trường dùng bàn họp trên vùng nước lụt để kêu gọi đạt được thỏa thuận tại Durban

Cho đến ngày cuối cùng của COP 17 theo chương trình nghị sự (10-12) nhưng đại diện của 194 quốc gia vẫn còn bất đồng khá sâu sắc về một thỏa thuận nhằm cứu vãn môi trường trái đất trước nguy cơ biến đổi khí hậu nặng nề. Sự bất đồng chính nằm ở lập trường còn khác nhau giữa Mỹ và các nước công nghiệp mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.

Bế tắc tới gần phút chót của COP 17 tại Durban (Nam Phi) khiến dư luận không khỏi lo ngại về “bóng đen” COP 16 tại Cancun (Mexico) một năm trước đó. Dù được trông đợi rất nhiều, song cuối cùng COP 16 vẫn kết thúc trong bế tắc và thất vọng, khiến cả thế giới không khỏi lo ngại về việc môi trường sống trên trái đất sẽ bị hủy hoại nếu không có một hiệp ước mới thay thế Nghị định thư Kyoto.

Cũng như COP 16 tháng 12-2010, bất đồng lớn nhất chính tại COP 17 vẫn là cam kết về mức cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các nước phát triển. Các nước giàu có nhất thế giới thẳng thừng từ chối ký gia hạn các tiêu chuẩn cắt giảm khí thải của Nghị định thư Kyoto trong giai đoạn hai.

Một số quốc gia phát triển, trong đó có Nhật Bản, Nga... cho rằng việc ép buộc họ cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính là không hợp lý và không công bằng. Bởi các chỉ tiêu cắt giảm trong nghị định thư áp dụng đối với các nước này chỉ chiếm không tới 30% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của toàn thế giới. Trong khi đó, hai nước hiện có lượng khí thải lớn nhất thế giới (chiếm 40% tổng lượng khí thải toàn cầu) là Mỹ và Trung Quốc lại không chịu đưa ra cam kết cắt giảm của mình. Mỹ không tham gia Nghị định thư Kyoto trong khi Trung Quốc lại xem mình là quốc gia đang phát triển.

Một khi không còn bị ràng buộc bởi Nghị định thư Kyoto khi hết hiệu lực vào năm 2012 (vốn yêu cầu các nước đang phát triển phải cắt giảm 5,2% mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức năm 1990), bầu khí quyển trái đất có thể bị đe dọa bởi sự “thả phanh” của các quốc gia. Trước nguy cơ hiện hữu này, các quốc gia trên thế giới cuối cùng đã đi tới một thỏa thuận mang tính thỏa hiệp tại Durban.

Thông báo kết thúc hội nghị đưa ra ngày 11-12, Chủ tịch COP-17 Maite Nkoana Mashabane cho biết, 194 quốc gia đã đạt được nhất trí về chương trình vạch ra một lộ trình mới cho các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong một thập kỷ tới. Theo đó, các nước nhất trí gia hạn Nghị định thư Kyoto thêm 5 năm (từ 2012 đến 2017), đồng thời thương thảo về một hiệp ước cắt giảm khí thải mới thông qua từ năm 2015 và có hiệu lực từ năm 2020, yêu cầu ràng buộc pháp lí tất cả các quốc gia thải nhiều khí carbone gây hiệu ứng nhà kính.

Chủ tịch COP 17 đồng thời là Ngoại trưởng Nam Phi Mashabanen cho rằng, thỏa thuận tại Durban chưa hoàn hảo nhưng là tiền để mở ra hy vọng tốt đẹp trong tương lai. “Các thỏa thuận này có thể góp phần giúp thế giới ứng phó với vấn đề biến đối khí hậu”, bà Mashabanen nói.