Hy vọng cho nhân loại: "Bẫy" khí nhà kính bằng sóng biển

ANTD.VN - Có rất nhiều nhóm các nhà khoa học trên thế giới đã và đang nỗ lực tìm ra những biện pháp giảm tải hiệu ứng nhà kính, trong đó có việc nghiên cứu ảnh hưởng của các đại dương đối với việc hấp thụ khí nhà kính. Một trong những công trình có triển vọng nhất là của các nhà khoa học Anh khi cho rằng sóng biển là yếu tố quyết định vai trò quan trong trong quá trình “bẫy” khí nhà kính. 

Hy vọng cho nhân loại: "Bẫy" khí nhà kính bằng sóng biển ảnh 1Những bọt sóng có xu hướng giải phóng một phần CO2 hoàn tan trong nước biển khiến tỉ lệ axit hóa đại dương ngày một gia tăng

Hiện tượng vỡ sóng trên bề mặt nước

Công trình nghiên cứu trên là sự kết hợp của các nhà khoa học Vương quốc Anh cùng một nhóm các nhà khoa học tại trường ĐH Southampton (Anh), trong đó có TS David Woolf thuộc trường Campus Orkney, ĐH  Heriot-Watt. Theo đó, các nhà khoa học đã phát hiện khi hiện tượng vỡ của sóng trên bề mặt nước biển xảy ra, chẳng hạn do ảnh hưởng từ những cơn gió lớn, thì một số lượng lớn bọt sóng (bong bóng) bị nén vào độ sâu của nước ít nhất khoảng 1m. Những bọt sóng này có xu hướng giải phóng một phần khí carbon dioxide (CO2) hoàn tan trong nước biển. Điều này có nghĩa lượng khí CO2 cũng như tỉ lệ axit hóa đại dương trên toàn cầu ngày một gia tăng. 

“Trong nhiều thập kỷ qua, vai trò của bọt sóng biển trong quá trình lưu chuyển không khí - biển, đại dương vẫn là một vấn đề quan tâm khá lớn đối với các nhà khoa học, nhưng nhiều công trình vẫn còn dang dở khi các nhà khoa học chưa thu thập được các dữ liệu nghiên cứu đầy đủ để có được kết quả cuối cùng”, Tiến sĩ David Woolf, chuyên gia mô hình hóa quy trình lưu chuyển khí không khí ĐH Heriot-Watt, cho biết. 

Các nhà khoa học cho biết, khi nghiên cứu “Quá trình lưu chuyển bất đối xứng khí CO2 khi xảy ra hiện tượng vỡ sóng trên bề mặt nước” cho thấy hiện tượng mất cân bằng lượng khí CO2 thải ra ngày càng lớn hơn so với trước đây. Điều này trái ngược với giả định về sự lưu chuyển khí khí quyển - đại dương theo dự đoán của các nhà khoa học ở thời điểm hiện tại. 

Ngăn chặn biến đổi khí hậu

Nghiên cứu mới góp phần giúp cộng đồng khoa học nhận thức sâu sắc hơn về ảnh hưởng của đại dương trong việc góp phần kiểm soát khí hậu toàn cầu cũng như giúp làm chậm lại sự ấm hóa toàn cầu.

Giáo sư Tim Leighton, trường ĐH Southampton, cho biết: “Tình trạng trên sẽ trở nên ổn định khi lượng CO2 từ bầu khí quyển hòa tan vào nước biển tương đương với lượng khí giải phóng khỏi nước biển vào khí quyển”.

Trong khi đó, một nhóm các nhà khoa học khác tại trường ĐH California San Diego và Viện Hải dương học Scripps (Mỹ) lại nghiên cứu về tác động của những hạt vi mô được tạo ra từ sóng biển bằng tính chất vật lý của những đám mây. Qua đó thấy rằng, các hạt vi mô đó được tạo ra từ những sóng biển có chứa chất hữu cơ chứ “không đơn thuần như chúng ta vẫn cho rằng những bọt khí được tạo ra từ các con sóng biển chỉ chứa muối - điều đó không hề đúng”, Giáo sư Vicki Grassian, ĐH California San Diego cho biết. 

“Có rất nhiều sự tương tác ở trong lớp bọt khí ngoài đại dương, trong đó có nước, vi khuẩn, virus, các hợp chất hữu cơ …”, Giáo sư Grassian cho biết thêm.

Những nghiên cứu trên của các nhà khoa học đã góp một phần trong những nỗ lực giải cứu hành tinh xanh của chúng ta. Với giải pháp này chúng ta không chỉ hiểu sâu thêm về ảnh hưởng của các đại dương trong việc kiểm soát hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, hiệu ứng nhà kính khiến cho Trái đất ngày càng nóng lên mà còn giúp chúng ta ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường biển xanh và sạch hơn để mang lại nguồn không khí trong lành nhất.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã thông qua tất cả các phương pháp, thiết bị, mã máy tính và phát hiện của họ cho các nhóm nghiên cứu trên khắp nước Anh để tìm hiểu thêm về vai trò của bọt sóng biển trong việc “bẫy” khí CO2 trong những đại dương trên thế giới; Tiếp tục công việc nghiên cứu để mong tìm ra những giải pháp thích hợp nhất, ngăn chặn tình trạng nóng lên của Trái đất từng ngày, từng giờ bởi hiệu ứng nhà kính gây ra.