Hy vọng cho năm 2014

ANTĐ - Những ngày cuối của năm 2013 đang đến gần, nhưng vẫn chưa kết thúc những ý kiến tranh luận, liệu nền kinh tế đã thực sự xuống đáy chưa. Những bất cập, hạn chế và khó khăn đã bộc lộ rõ trên hầu hết các lĩnh vực. 

Tăng trưởng GDP ước chỉ đạt 5,4%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra 5,5%. Tăng trưởng công nghiệp đạt thấp trên 5,4%. Đầu tư xây dựng cơ bản giảm mạnh, hoạt động tài chính, ngân hàng trầm lắng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, nếu kinh tế chưa chạm đáy thì cũng gần như sát đáy của sự phát triển, cho nên năm 2014 có hy vọng đi lên.

Nền kinh tế chuyển giao sang năm 2014 không chỉ có khó khăn là chủ yếu mà còn có cơ hội mở ra, quan trọng là có chớp được thời cơ hay không. Bởi vì, khi kinh tế đã chạm đáy, lộ rõ toàn bộ khó khăn, yếu kém, chính là điều kiện để xoay chuyển, “chữa trị”. Hy vọng năm 2014 kinh tế đi lên, song Chủ nhiệm Ủy ban cho rằng, đi lên không mang tính đột phá hay bước ngoặt mà chỉ là mở cánh cửa cho nhiều triển vọng khả quan hơn.

Rõ rệt nhất là những yếu tố đầu vào sẽ thay đổi, lãi suất sẽ giảm hơn, tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Chính sách với thị trường tài chính sẽ cởi mở hơn, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ còn 20%, các chính sách thuế khác gần như ở mức cơ bản ổn định hoặc thấp hơn.

Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, trong 11 tháng qua, số doanh nghiệp trở lại hoạt động đạt tới 11,75 nghìn doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng 9% so với cùng kỳ. Bước vào tháng cuối cùng năm 2013, sản xuất được cải thiện làm cho hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp tăng khá trở lại, nhất là nhập máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Sự phục hồi sản xuất có đóng góp không nhỏ từ sự ổn định của thị trường tiền tệ và ngoại hối. Tỷ giá ổn định, mặt bằng lãi suất giảm mạnh so với năm ngoái.

Nhờ đó đã giúp tháo gỡ khó khăn về chi phí tài chính cho doanh nghiệp, tạo điều kiện tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tại “Diễn đàn doanh nghiệp thường niên”, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp lo ngại về những tiêu cực, tham nhũng làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, sản xuất.

Theo kết quả điều tra, có bốn ngành ảnh hưởng rất lớn đến tham nhũng là hải quan, thuế, cấp giấy phép và quản lý đất đai. Trong ba lĩnh vực mà Chính phủ ưu tiên để chống tham nhũng, số doanh nghiệp khảo sát lựa chọn cần “đánh” mạnh vào ngành hải quan là 55,2%, thuế 46,2% và quản lý đất đai là 39,8%.

Theo các chuyên gia, có tình trạng cán bộ hải quan được chi trả phí bôi trơn để giải quyết nhanh việc xuất, nhập hàng hóa; nhận hối lộ để làm ngơ trước hàng lậu, hàng cấm. Trong lĩnh vực thuế, doanh nghiệp, thường xuyên phải trả phí bôi trơn, cán bộ thuế đề nghị cố ý khai báo giảm nghĩa vụ thuế để được hối lộ. Trước “sức nóng” tiêu cực, tham nhũng, đại diện Bộ Tài chính cam kết, ngành thuế, hải quan đã có ban phòng chống tham nhũng trong tài chính, áp dụng kiểm tra, kiểm soát nội bộ, quy trách nhiệm người đứng đầu.

Kinh tế chạm đáy vượt lên, bước sang năm 2014, kéo theo các doanh nghiệp cùng đi lên. Tuy nhiên, ở dưới đáy đó còn không ít vướng mắc, tiêu cực níu kéo và kìm hãm, nếu không dứt bỏ, loại trừ thì khó có thể đẩy nền kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp tiến bước.