Hy sinh thân mình che chắn axít cứu người dân an toàn

ANTD.VN - Trong tâm khảm những người chiến sỹ CAND, nhiệm vụ trên hết là vì nhân dân phục vụ. Trước những vấn đề mà người dân gặp phải, thì dù có khó khăn, vất vả hay hiểm nguy đến mấy, vẫn bằng mọi cách sẵn sàng quên mình để cứu người dân an toàn. Những phẩm chất ấy đã hội tụ ở người thương binh - chiến sỹ CAND, Thượng tá Nguyễn Quốc Hưởng, công tác tại CAQ Tây Hồ (Hà Nội). 

Hy sinh thân mình che chắn axít cứu người dân an toàn ảnh 1Thượng tá Nguyễn Quốc Hưởng hướng dẫn thế hệ cán bộ chiến sỹ trẻ xử lý hồ sơ công việc hàng ngày

Quật ngã đối tượng nguy hiểm

Chuyện đã qua được 17 năm, đó là vào một ngày tháng 6 năm 2000, khi đó Trung úy Nguyễn Quốc Hưởng đang trực tại đơn vị, CAP Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội thì nhận được thông tin có đối tượng khống chế con tin ở Cụm 6 phố Thụy Khuê. Trung úy Nguyễn Quốc Hưởng lập tức báo cáo chỉ huy CAP và tức tốc lao đến khu vực xảy ra vụ việc. Hiện trường vụ khống chế con tin là nhà ông Nguyễn T. K. ở ngõ 208. Bên trong cánh cửa xếp đóng kín mít, khóa trái là những tiếng vật lộn, van xin.  

Nhanh chóng nhận định, phân tích tình hình, Trung úy Nguyễn Quốc Hưởng nhẹ nhàng thuyết phục: “Thôi có chuyện gì nhẹ nhàng bảo nhau chứ đánh đấm có ích gì. Cứ mở cửa ra đi, việc đâu sẽ giải quyết được hết, yên tâm không phải căng thẳng cho mệt đầu. Mình sống còn bà con khu phố, gia đình nữa chứ”. Đáp lại những lời khuyên đó là tiếng vọng hằn học từ bên trong, kèm theo yêu cầu tất cả những ai có mặt bên ngoài giải tán nếu không sẽ giết chết ông K. chủ nhà.  

Qua công tác nắm tình hình biết đối tượng là con riêng của vợ ông K. đang ép bố dượng đưa tiền để sử dụng ma túy, Trung úy Nguyễn Quốc Hưởng tiếp tục thuyết phục và đánh lạc hướng đối tượng để đồng đội tìm các hướng tiếp cận giải cứu. Bất chấp mọi sự khuyên can, gã thanh niên tiếp tục ngoan cố và bằng mọi cách hành hạ ông K.

Quan sát một hồi, thấy cửa xếp chỉ được buộc bằng sợi dây thừng nhỏ mà không cài chốt hay khóa, Trung úy Nguyễn Quốc Hưởng vừa tiếp tục tác động tâm lý đối tượng manh động, đồng thời ra hiệu cho đồng đội đứng hai bên, bất ngờ giật mạnh 2 cánh cửa về hai bên.

Cánh cửa vừa bật mở, Trung úy Nguyễn Quốc Hưởng ập vào, dùng miếng võ đánh bật cánh tay đang khóa ông K. rồi đẩy gã thanh niên vào góc nhà. Sững lại trong tích tắc, rồi cơn khùng của gã thanh niên nổi lên. Gã chồm vào góc nhà, nơi đang để can axít, bật nắp dội thẳng vào đầu và mặt những người xung quanh.

Trung úy Nguyễn Quốc Hưởng trong tích tắc chỉ kịp nhào mình che chắn cho ông K. khỏi bị thương và bị dính thứ hóa chất nguy hiểm vào vùng mặt và hai mắt. Một bóng đêm tối sầm, Trung úy Nguyễn Quốc Hưởng lúc ấy không nhìn được gì xung quanh và gục xuống...  

Rèn mình qua thực tiễn công việc

Sau những tháng ngày đằng đẵng điều trị tại nhiều bệnh viện, sức khỏe của Trung úy Nguyễn Quốc Hưởng dần bình phục. Tuy nhiên, axít đã hủy hoại nhiều phần da thịt trên thân thể anh. Điều may mắn là đôi mắt được chữa trị kịp thời nên không bị ảnh hưởng nhiều. Bằng tình thương, sự sẻ chia tình đồng đội, Trung úy Nguyễn Quốc Hưởng đã trở lại đơn vị.

Các bác sỹ cho biết tình hình sức khỏe của anh bị tổn thương 33%. Lo lắng về sức khỏe của đồng chí, đồng đội, chỉ huy đơn vị đã điều động Nguyễn Quốc Hưởng làm nhiệm vụ Trực ban hình sự. Công việc mới đã cho anh có thêm thời gian để sức khỏe dần hồi phục, để đọc lại nhật ký của người cha kể về từng trận đánh ác liệt vào mùa xuân năm 1968. 

Cha của Nguyễn Quốc Hưởng là 1 chiến sỹ trong đoàn quân đánh Mỹ. Chặng đường hành quân từ miền Bắc vào mặt trận tại Bình Trị Thiên khói lửa, đơn vị của ông đã bị giặc Mỹ đánh bom. “Bố tôi hy sinh khi tôi mới được 2 tuổi. Mẹ tôi một mình nuôi hai anh em tôi trưởng thành. Hồi bé mẹ thường kể về những ngày cha ở chiến trường, thường biên thư hỏi xem con ăn được gì rồi, biết chạy chưa... Cho đến ngày bẵng đi không nhận được thư của bố nữa…”, Thượng tá Nguyễn Quốc Hưởng xúc động nhớ lại.

Dòng máu của người cha hy sinh anh dũng vì độc lập tự do của dân tộc đã hun đúc ý chí người con trai cần phải nuôi dưỡng tiếp những giá trị thế hệ đi trước để lại. Nhớ lại diễn biến sự việc giải cứu ông K. năm nào, Thượng tá Nguyễn Quốc Hưởng đanh giọng: “Ông K. làm nghề chế tác vàng bạc nên luôn chứa axít trong nhà. Khi đó, đối tượng cầm can lên tôi chỉ lo đó là xăng bởi vì lúc ấy đèn khò, các thứ vẫn đang hồng rực. Nếu can đó chứa xăng đối tượng đổ ra thì tất cả những người trong nhà sẽ gặp nguy. Phải chặn bằng được hành vi nguy hiểm”. 

Không ngừng rèn luyện, học hỏi, năm 2009, đồng chí Nguyễn Quốc Hưởng được phân công nhiệm vụ mới tại CAQ Tây Hồ. “Làm công tác chính trị, hậu cần, điều lệnh, tuyển sinh của đơn vị cũng rất nhiều việc. Trong đó không phải việc nào mình cũng nhuần nhuyễn, nắm chắc được, do vậy phải tập trung nghiên cứu mới đáp ứng nhiệm vụ được giao. Đã được phân nhiệm vụ rồi thì việc gì cũng phải nỗ lực hoàn thành. Mục đích cuối cùng để cùng đồng đội trọn vẹn trọng trách giữ gìn ANTT, vì nhân dân phục vụ”, Thượng tá Nguyễn Quốc Hưởng chia sẻ. 

Nói về người đồng đội của mình, Thượng tá Hoàng Trọng Chung, Phó Trưởng CAQ Tây Hồ nhận xét: “Trên cương vị của mình, đồng chí Nguyễn Quốc Hưởng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong lực lượng, đồng chí Hưởng luôn tích cực rèn luyện, hướng dẫn lớp cán bộ trẻ, với tình cảm và trách nhiệm cao nhất”.