Hy Lạp đành mở lối thoát bằng cải cách khắc khổ

ANTĐ - Đúng như dự đoán, rạng sáng 16-7, Quốc hội Hy Lạp vừa thông qua dự luật chấp nhận những biện pháp cải cách khắc nghiệt theo yêu cầu của các chủ nợ để đổi lấy gói cứu trợ mới. Lối thoát cho cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp đã mở.

Dự luật vừa được thông qua sau cuộc tranh luận căng thẳng tại Quốc hội với 229 phiếu thuận, 64 phiếu chống và 6 phiếu trắng. Đảng Syriza cầm quyền đã thông qua được dự luật trên nhờ sự ủng hộ của những đảng đối lập có quan điểm ủng hộ châu Âu. Tuy nhiên, có tới 38 nghị sĩ thuộc đảng Syriza bỏ phiếu trắng hoặc phiếu chống, cho thấy sự chia rẽ ngay trong đảng cầm quyền đối với việc thực thi các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” theo yêu cầu của chủ nợ.

Hy Lạp đành mở lối thoát bằng cải cách khắc khổ ảnh 1

Thủ tướng Hy Lạp A. Tsipras đang phát biểu trước Quốc hội

Trước đó, sau 17 giờ đàm phán căng thẳng, các nhà lãnh đạo 19 nước Eurozone đã nhất trí cung cấp gói cứu trợ thứ 3 trị giá tới 86 tỷ euro (94 tỷ USD) cho Hy Lạp, đổi lại Athens phải chấp thuận các biện pháp cải cách khắc khổ mà khối này yêu cầu. Quyết định trên của Quốc hội Hy Lạp có thể nói đi ngược lại với kết quả cuộc trưng cầu ý dân hồi đầu tháng, theo đó đa số các cử tri Hy Lạp phản đối các biện pháp hà khắc mà châu Âu áp đặt với nước này. 

Để đổi lấy gói cứu trợ thứ 3, Hy Lạp sẽ phải thay đổi sâu rộng về luật lao động, tiền lương, thuế VAT và các loại thuế khác theo hướng tăng thuế, giảm chi tiêu, tăng tuổi nghỉ hưu…Biết rõ như vậy là ngược với lòng dân, nhưng trong tình thế nguy cấp, buộc lòng Chính phủ Hy Lạp phải làm như vậy, cũng không có cách nào khác. Hôm 13-7, Hy Lạp đã không thanh toán được khoản vay 456 triệu euro cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) theo đúng thời điểm đáo hạn. Đây là lần thứ hai Hy Lạp lỡ hạn chót thanh toán nợ cho IMF, sau khi không trả được khoản vay 1,5 tỷ euro đáo hạn hôm 30-6 vừa qua. 

Kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội Hy Lạp cũng khiến châu Âu thở phào. Vốn là nước ủng hộ việc giữ Hy Lạp ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone),  hầu như cùng một thời điểm với Quốc hội Hy Lạp, Quốc hội Pháp cũng bỏ phiếu thông qua gói cứu trợ mới dành cho Athens với tỷ lệ ủng hộ áp đảo. Phát biểu với các nghị sỹ, Thủ tướng Pháp M. Valls nhấn mạnh, không thể có việc Hy Lạp rời khỏi   Eurozone, dù là tạm thời, và đó là một ý tưởng lạc hậu và nguy hiểm. Liên minh châu Âu (EU) cũng ngay lập tức chuẩn bị các đề xuất trong trường hợp không tìm ra một giải pháp khác để tài trợ cho Hy Lạp cho tới giữa tháng 8-2015. 

Lối thoát cho cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp đã mở. Thế nhưng để giúp Athens tự đứng vững chắc trên đôi chân của mình, không còn là gánh nặng cho châu Âu thì vẫn còn nhiều điều phải làm. Trong một nghiên cứu cập nhật về tình hình Hy Lạp, IMF nhận định gánh nặng nợ của quốc gia châu Âu này trong thập kỷ tiếp theo sẽ lớn hơn nhiều so với ước tính của EU đưa ra cách đây hai tuần. Theo đó, IMF dự báo nợ công của Hy Lạp sẽ tương đương khoảng 200% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm tới, tăng hơn 20% so với ước tính trước đó.

Do vậy, IMF đánh giá cơ cấu nợ hiện tại của Hy Lạp là “không bền vững”, và quốc gia này cần nhiều hơn khoản tiền cứu trợ trị giá khoảng 86 tỷ euro (94,6 tỷ USD) vừa đạt được với các nhà lãnh đạo Eurozone. Trong năm 2015, Hy Lạp sẽ phải đàm phán về việc tái cơ cấu “núi nợ” của nước này, cũng như về một chương trình đầu tư trị giá 35 tỷ euro, qua đó sẽ giúp Hy Lạp tránh nguy cơ rời khỏi Eurozone và là nền móng để phục hồi tăng trưởng ở Hy Lạp. 

Hy Lạp đương nhiên sẽ không bao giờ có thể thanh toán các khoản nợ nếu như châu Âu không chịu tiếp tục “hy sinh” vì Hy Lạp. IMF cho rằng, EU chỉ có cách là phải gia hạn thời gian chi trả cho Hy Lạp trong vòng 30 năm, chuyển tiền mặt theo định kỳ cho Athens để trả các khoản nợ sắp đến hạn và xóa một phần số nợ hiện tại cho “xứ sở thần thoại”. Không biết châu Âu có chấp nhận cái giá quá nặng như vậy không?