Hy Lạp chấm dứt chính sách thắt lưng buộc bụng

ANTD.VN -Các nước Eurozone đã nhất trí giảm nợ và giải ngân khoản cuối cùng trong gói cứu trợ thứ ba đưa Hy Lạp ra khỏi chương trình cứu trợ kéo dài 8 năm và kéo giãn thời gian trả nợ của quốc gia này lên tới 10 năm.

 Các bộ trưởng tài chính châu Âu thảo luận chính sách với Hy Lạp

Các bộ trưởng tài chính của 19 quốc gia đã đạt được một thỏa hiệp khó khăn sau các cuộc đàm phán kéo dài 6 tiếng vào sáng 22-6. Các bộ trưởng đã nhất trí giảm nợ và giải ngân khoản cuối cùng 15 tỷ euro (tương đương 17,5 tỷ USD) trong gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro dành cho nước này. Theo đó Hy Lạp dự kiến thoát khỏi chương trình cứu trợ tài chính vào ngày 20-8 tới.

Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Pháp biết, Hy Lạp đã thực sự thực hiện tốt công việc và họ đã hoàn thành cam kết của mình.

“Hy Lạp có đủ khả năng trả nợ trong tương lai”, Chủ tịch nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) Mário Centeno cho biết. 

Ông Centeno cho biết theo thỏa thuận này, Hy Lạp có thể trì hoãn việc trả nợ hàng tỷ đô la trong các khoản vay lên tới 10 năm. Hiện, các khoản nợ chiếm tới 180% GDP, gần gấp đôi sản lượng kinh tế hàng năm của quốc gia thành viên Eurozone này.

Kể từ năm 2010, Hy Lạp đã phải thực hiện nhiều biện pháp cải cách và "thắt lưng buộc bụng" bị người dân phản đối để đổi lấy 3 gói cứu trợ với tổng trị giá lên tới 273 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trước đó, bộ trưởng tài chính của Germay, Olaf Scholz, nói: “Đã có những phát triển rất tốt ở Hy Lạp. Chính phủ và người dân Hy Lạp đã làm rất tốt”.

Hy Lạp đang tăng trưởng kinh tế 1,9% trong năm nay. Thất nghiệp đã giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức 20% với tỷ lệ thất nghiệp thanh niên ở mức 43%.

Thủ tướng Hy Lạp, Alexis Tsipras, đã buộc phải vượt qua những cải cách khó khăn đã giúp cân bằng ngân sách của đất nước. Tiền lương đã giảm gần 20% kể từ năm 2010 với lương hưu và các khoản thanh toán phúc lợi khác giảm 70% trong cùng thời kỳ. Quy mô của khu vực công đã bị cắt giảm 26%.

Các nhà đầu tư được khuyến khích bởi các chỉ số này với chi phí vay của Hy Lạp vào khoảng 4% so với 24% ở tại thời điểm giữa cuộc khủng hoảng.