Hy hữu cứu sống bệnh nhân sau 1 giờ ngừng tim

ANTD.VN - Mặc dù nhịp tim đã ngừng đập gần 1 tiếng đồng hồ nhưng bệnh nhân đã được ê kíp y bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội phẫu thuật kịp thời cứu sống. Theo TS.BS Đào Quang Vinh -Trưởng khoa Ngoại, BV Tim Hà Nội,  người trực tiếp cùng ê kíp cấp cứu bệnh nhân bị Osler (viêm nội tâm mạc nhiễm trùng), đây là một ca bệnh tim hiểm nghèo và cơ hội sống sót chỉ có 1%.

Bệnh nhân Trần Xuân Mạnh đang dần hồi phục sức khỏe sau ca mổ

Từ “cửa tử” trở về...

Chúng tôi gặp bệnh nhân Trần Xuân Mạnh (sinh năm 1990, quê ở Hưng Hà, Thái Bình) khi anh đã được chuyển lên phòng chăm sóc bệnh nhân chỉ sau hơn 2 tuần ca phẫu thuật có một không hai này. Nếu như không được biết trước anh vừa trải qua một ca phẫu thuật tim với cơ hội sống sót chỉ có 1% thì bất cứ ai cũng chỉ cho rằng anh chỉ bị ốm bình thường.

Chia sẻ với chúng tôi, Mạnh cho biết, tự nhiên anh có biểu hiện ho, sốt, cảm cúm mãi không khỏi. Khi anh tới bệnh viện huyện khám, ngay lập tức bác sĩ yêu cầu chuyển lên bệnh viện tuyến trên ngay vì tim có vấn đề. 

Anh Mạnh cùng gia đình đã lên BV Tim Hà Nội khám và các bác sĩ của BV tim Hà Nội đã chẩn đoán bệnh nhân bị Osler (viêm nội tâm mạc nhiễm trùng), van động mạch chủ hở ở mức độ nặng nhất 4/4. Sau khi hội chẩn về Osler, các bác sĩ đã đưa ra quyết định phải phẫu thuật ngay để thay van động mạch chủ, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong sớm.

Ca phẫu thuật được tiến hành tương đối thuận lợi nhưng khi đến ngày thứ ba sau mổ, bệnh nhân bất ngờ có diễn biến nặng với các triệu chứng loạn nhịp (tình trạng cơ tim bị rung, về huyết động lúc đó coi như là ngừng tim). “Hơn một tiếng đồng hồ trái tim không đập, đồng tử bệnh nhân lúc này đã giãn mặc dù đã được điều trị chống rung, dùng các thuốc chống loạn nhịp, ép tim ngoài lồng ngực...” - TS.BS Đào Quang Vinh kể lại. 

Trước tình huống đó, ê kíp phẫu thuật, gây mê hồi sức đã đưa ra một phương pháp điều trị rất táo bạo, đó là vừa ép tim vừa chuyển bệnh nhân đến phòng mổ; đặt ngay máy tim phổi nhân tạo để trợ giúp cho quả tim qua đường động tĩnh mạch đùi và quyết định mở ngực lại để cặp động mạch chủ. 

Tình hình mỗi lúc một xấu hơn khi ê kíp tiếp tục dùng máy tim phổi nhân tạo hỗ trợ cho quả tim cộng với đặt bóng đối xung động mạch chủ nhưng nhịp tim của bệnh nhân vẫn không có. Hy vọng tưởng chừng đã vụt tắt, bỗng dưng tim bệnh nhân đã đập trở lại, đồng tử đã co lại có phản xạ ánh sáng. Mọi người vỡ òa vì đã cứu sống được người bệnh từ “cõi chết” trở về.

Kinh nghiệm quý về sau

“Chỉ sau hai tuần, bệnh nhân Trần Xuân Mạnh đã được rút máy thở, tỉnh táo, tim đập tương đối tốt, hiện tại chỉ tiếp tục điều trị kháng sinh theo đúng liệu trình và ra viện trong vài ngày tới. Đã có nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng suy tim, rối loạn nhịp tim, rung thất... phải dùng tất cả các biện pháp để cứu chữa như: ép tim, chống rung, các loại thuốc chống rung, chống loạn nhịp... mà hàng tiếng đồng hồ không mang lại kết quả thì thông thường bệnh nhân rất khó qua khỏi.

Nhưng đây là một trường hợp “chết đi sống lại” mà ngay cả ê kíp cũng bất ngờ. Một điều đặc biệt hơn, đây là kinh nghiệm quý cho cách xử trí đối với những trường hợp tương tự về sau” - bác sĩ Đào Quang Vinh cho biết.

“Các bác sĩ ở đây đã sinh thêm con tôi một lần nữa. Trước lúc mổ theo nguyên tắc gia đình tôi phải làm thủ tục tài chính nhưng gia đình không có tiền, ngay cả đưa đi viện thôi cũng phải vay mượn tiền để đưa con đi... nhưng ở đây các bác sĩ vẫn tiến hành phẫu thuật ngay mà không cần những thủ tục đó...” - bà Nguyễn Thị Nhanh xúc động bày tỏ lòng cảm ơn với các bác sỹ Bệnh viện Tim đã điều trị cho con mình.                       

Điều cần biết về bệnh lý Osler 

Theo TS.BS Đào Quang Vinh - Trưởng khoa Ngoại, BV Tim Hà Nội, bệnh Osler (hay còn gọi là viêm nội tâm mạc nhiễm trùng) có đặc tính như sau:

- Nguyên nhân: Viêm nhiễm trong cơ thể như: ngoài da, áp xe răng miệng, mụn nhọn, xước chân tay... làm cho vi khuẩn xâm nhập vào máu rồi dừng ở van tim gây viêm.

- Triệu chứng: Thường sốt dai dẳng, mệt mỏi, khó thở, tức ngực.

- Phòng bệnh: Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, điều trị các ổ nhiễm trùng triệt để, đúng chuyên khoa. Không nên tự ý điều trị sẽ gây nhiễm trùng sâu vào máu có thể vào tim.

- Osler thường ít gặp nhưng đã bị thì rất nguy hiểm đến tính mạng.