Huyền tích Đức thánh Láng và loại rau thơm tinh hoa của đất Hà thành

ANTD.VN - Làng Láng là một làng cổ nằm ven bờ sông Tô Lịch và nổi tiếng vì có thứ sản vật trứ danh là rau húng. Người Việt hầu như ai cũng thuộc câu ca này: “Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm/ Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây”. Nói là thế nhưng không phải ai cũng biết húng Láng là thế nào, vì thứ rau gia vị này có khá nhiều chủng loại, không phải người sành ăn và không để ý thì cũng khó phân biệt. 

Chùa Láng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh

Thơm Láng giờ mua ở đâu?

Có nhiều loại húng, thứ nhất là loại húng lủi hay còn gọi là húng dũi. Thứ rau này có mùi thơm đậm đặc, gần với mùi bạc hà. Húng lủi lá dày, có răng cưa nhưng trơn láng hơn rau bạc hà. Rất nhiều người nhầm húng lủi với bạc hà nhưng đây là hai thứ rau khác nhau. Bạc hà có mùi đậm hơn và lá có một lớp lông mỏng mịn. Trong các loại húng thì húng lủi được trồng phổ biến và là loại húng được bán nhiều nhất ngoài chợ.

Một loại húng khác mà những người ưa thích món thịt chó ai cũng biết. Đó là húng quế, hay còn gọi là húng chó, vì thứ húng này ăn với thịt chó là hợp nhất. Trong các loại húng thì húng quế có thân cao hơn cả, để tự nhiên có thể phát triển thành cây bụi. Húng quế có mùi thơm mạnh, đặc biệt có hoa màu tím rất đẹp.

Lá húng quế nhỏ, trơn, hạt của loại húng này chính là hạt é dùng trong các món chè, nước giải khát. Các vùng nông thôn Việt Nam hầu như nhà nào cũng trồng vài bụi húng quế trong vườn để khi cần có thể dùng được ngay. Cách ăn húng quế được coi là sành điệu bây giờ là người ta bẻ luôn một cành húng quế to, có đủ cả hoa và cành nhánh, cứ thế nhâm nhi từng ngọn húng thơm lừng với thịt chó hoặc lòng lợn, tiết canh đều rất tuyệt.

Nhưng thứ rau nổi danh của làng Láng là húng Láng thì khác hơn một chút. Húng Láng có đặc điểm thế nào? Đó là thứ rau gia vị có mùi không quá đậm như húng lủi, cũng không nồng nàn như húng quế. Húng Láng có một mùi thơm nhẹ đặc trưng, người dân vùng Láng còn gọi thứ rau này là “thơm lai” hoặc “thơm”. Húng Láng thân màu tím, lá nhỏ, trơn mỏng hơn húng lủi và là loài thân cỏ. Húng Láng có hoa nhưng không có hạt nên để nhân giống người ta thường cắt những đoạn thân bánh tẻ và cắm xuống đất ẩm, cây húng sẽ mọc lên.

Điều đặc biệt là thứ rau gia vị này chỉ ưa đất vùng Láng, nếu mang đến các vùng khác trồng, sẽ mất đi mùi thơm đặc trưng và có xu hướng bạc hà nhiều hơn. Húng Láng là sản vật lâu đời của làng Láng, theo dân gian truyền tụng thì thứ rau này có từ thời Lý, là loại rau gia vị rất được ưa chuộng của người Hà Nội, nhất là đối với những bà nội trợ sành ăn. Húng Láng ăn kèm với các loại rau khác như xà lách, mùi, kinh giới… và thích hợp với thịt gà, chả cá, nem, phở, mì, canh…

Húng Láng bây giờ mua ở đâu? Bây giờ thật khó tìm được những ngọn húng Láng chuẩn, tôi nhớ những năm 90 của thế kỷ trước, khi đi qua khu vực đường Láng vẫn còn thấy những những ruộng rau xanh mướt. Nào là xà lách, rau thơm, hành hoa và đặc biệt là thơm Láng trồng khá nhiều.

Làng Láng một thời nổi danh với nghề trồng rau thơm nhưng giờ đây những khoảnh đất trồng rau thơm nói chung và rau húng nói riêng đã mất gần hết, chỉ còn vài vạt lẻ tẻ phía sau chùa Láng. Ngôi chùa này là niềm tự hào đặc biệt của người làng Láng, một trong những danh thắng nổi tiếng của Hà Nội, từng được mệnh danh là “đệ nhất tùng lâm” một thời, chùa thờ chính một thiền sư huyền thoại quê ở làng Láng - thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Húng Láng là sản vật lâu đời của làng Láng (Ảnh tư liệu)

Huyền tích về thiền sư Từ Đạo Hạnh

Từ Đạo Hạnh (1072-1116) có lẽ là vị thiền sư có nhiều truyền thuyết linh dị bậc nhất trong tôn giáo nước Việt. Cuộc đời ông đầy rẫy những sự kiện ly kỳ và những bí tích huyền thoại.

Từ Đạo Hạnh tên thật là Từ Lộ, có cha là quan đô sát Từ Vinh. Huyền tích đầu tiên của vị thiền sư làng Láng này là cuộc đấu pháp của ông với pháp sư Đại Điên vì mối thù giết cha. Nhưng vì pháp thuật của Đại Điên quá cao nên Từ Lộ không giết ngay được. Từ Lộ đi tầm sư học đạo ở khắp nơi và đã có một thời gian ở chùa Thầy và đắc đạo. Pháp thuật tinh thông, Từ Lộ quay về trả thù cho cha, giết chết pháp sư Đại Điên ngay trên sông Tô Lịch.

Sau đó, Đại Điên đầu thai thành một đứa bé thông minh dĩnh ngộ, vua Lý Nhân Tông muốn đứa bé đầu thai thành con mình nhưng bị Từ Đạo Hạnh dùng phép thuật ngăn cản. Chuyện bại lộ, nhà vua bắt Từ Đạo Hạnh  phải chịu tội. Từ Đạo Hạnh liền nhờ em trai của vua là Sùng Hiền Hầu cứu giúp và hứa đầu thai làm con trai ông ta để trả ơn. Sau khi vua Lý Nhân Tông mất, vì không có con nỗi dõi nên con trai của Sùng Hiền Hầu được nối ngôi, đứa bé này chính là kiếp sau của Từ Đạo Hạnh, trở thành Vua Lý Thần Tông.

Lý Thần Tông (1116-1138) về sau lại mắc chứng bệnh lạ, gần như hóa hổ, phải nhờ Nguyễn Minh Không, cũng là một thiền sư danh tiếng, là bạn cũ của Từ Đạo Hạnh từ kiếp trước cứu chữa mới lành bệnh.

Vì có sự tích ly kỳ như vậy nên dân chúng đã tôn Từ Đạo Hạnh là đức thánh Láng và thờ trong chùa làng cùng với kiếp sau của ông là Vua Lý Thần Tông. Cả ngôi nhà cũ của cha mẹ ông trong làng cũng được dựng thành chùa, nay gọi là chùa Nền. Một điểm đáng chú ý là Từ Đạo Hạnh chính là người mở màn cho khuynh hướng Phật giáo hòa trộn với tín ngưỡng dân gian và được gọi là “thánh tổ”. Thánh tổ các bậc tu hành có công lớn được người dân coi như những vị thánh, được dựng tượng thờ phụng trong chùa và rất được ngưỡng mộ, những vị thánh tổ nổi tiếng có thể kể đến như Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Giác Hải…

Nhà văn Uông Triều

Một điều khá lý thú trong lễ hội chùa Láng là lễ hội này hầu như dùng để mô phỏng lại cuộc đấu pháp của Từ Đạo Hạnh với pháp sư Đại Điên trên hai bên bờ sông Tô Lịch và Từ Đạo Hạnh cũng là nhân vật hiếm có trong Phật giáo Việt Nam liên quan tới những cuộc đấu pháp lừng danh này. Và người làng Láng, trong ngày giỗ của ông cũng là ngày hội chùa (mùng bảy tháng 3 âm lịch) thì cỗ bao gồm cả chay và mặn là một điều rất đáng chú ý.

Chùa Láng, theo thời gian bây giờ không còn là một ngôi chùa nguy nga như ngày trước nhưng vẫn là một trong những ngôi chùa lớn bậc nhất của Hà Nội. Chùa có 3 lớp cổng từ ngoài vào, sân lát gạch Bát Tràng cổ và một hàng cây muỗm cổ thụ rất đẹp. Ba lớp cổng và những cây muỗm lớn được trồng thẳng hàng 2 bên đường thần đạo tạo một cảnh quan uy nghi, cổ kính.

Điều đáng nói nữa ở danh thắng này là trong khi các chùa trong khu vực nội thành đều bị thu hẹp diện tích rất nhiều, thì không gian chùa Láng vẫn còn khá rộng rãi. Trong chùa có 2 pho tượng nổi tiếng là tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh bằng mây đan phủ sơn khoác áo cà sa và tượng Vua Lý Thần Tông bằng gỗ mít. Các nhà khoa học đã có những nghiên cứu về pho tượng Từ Đạo Hạnh và đã phát hiện có tro cốt bên trong. Ngoài hai pho tượng trên, chùa Láng còn có gần 200 pho tượng nữa, là một trong những chùa có nhiều tượng nhất khu vực Hà Nội.

Quay trở lại về thứ rau húng nổi tiếng của đất Láng xưa kia, giờ đây hầu như chỉ còn mua được thứ rau này ở ngay phía sau chùa Láng. Sau chùa Láng vẫn còn những khoảnh ruộng để trồng thứ rau đặc sản ngày xưa, 2 cái giếng nước cổ, mấy cây duối hiền hòa gợi nhớ bóng dáng làng quê Việt Nam. Tôi đã dành một buổi chiều để tham quan chùa Láng và xem người dân chăm sóc những mảnh ruộng phía sau chùa.

Một ông cụ râu tóc bạc phơ, giữa mùa đông mà vẫn đánh trần, quần đùi áo cộc gánh nước tưới rau. Rau xà lách xanh mướt, rau ngải cứu xanh thẫm và vài vạt húng đang tươi tốt. Tôi đã đợi mua cho kỳ được một ít rau húng ngày xưa, mua thêm một con gà ngon, chuẩn bị cho bữa ăn ngày cuối năm. Cho một cọng húng vào miệng, ăn thật chậm để cảm nhận vị thơm nhẹ thanh tao của nó, biết rằng mình đang thưởng thức một thứ rau quý có lịch sử cả nghìn năm, lại được trồng trên chính mảnh đất có vị thiền sư nổi tiếng bậc nhất nước Việt - đó chẳng phải sự trân quý, may mắn lắm sao!