Huyền thoại về lá cờ đỏ chiến thắng của hồng quân Xô Viết trong ngày Chiến thắng

ANTD.VN -Hàng năm, cứ tới ngày 9/5, tại Quảng trường Đỏ của Liên bang Xô Viết, nay là nước Nga lại diễn ra lễ duyệt binh chào mừng kỷ niệm ngày Chiến thắng Chủ nghĩa phát xít. Dẫn đầu buổi lễ duyệt binh, trong tiếng nhạc trầm hùng của bài hát “Cuộc chiến tranh thần thánh” là một lá cờ đỏ có in hình búa liềm. 

Hàng năm, cứ tới ngày 9/5, tại Quảng trường Đỏ của Liên bang Xô Viết, nay là nước Nga lại diễn ra lễ duyệt binh chào mừng kỷ niệm ngày chiến thắng Chủ nghĩa phát xít.

Dẫn đầu buổi lễ duyệt binh, trong tiếng nhạc trầm hùng của bài hát “Cuộc chiến tranh thần thánh” là một lá cờ đỏ có in hình búa liềm. Đó là Lá cờ đỏ chiến thắng, một trong những hiện vật quý giá nhất của bảo tàng Lịch sử Quân sự Liên Xô và nay là Liên bang Nga. Người ta chỉ được phép đưa lá cờ đó ra ngoài khi có Sắc lệnh của Tổng thống...

Hình ảnh Lá cờ Chiến thắng cắm trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức năm 1945

Từ ý tưởng của lãnh tụ Stalin...

Những ý tưởng đầu tiên của việc tạo ra lá cờ này đã được khởi xướng vào ngày 6-11-1944 do Tổng tư lệnh Tối cao, Nguyên soái I.Stalin trong phiên họp trọng thể của Xô Viết Tối cao kỷ niệm lần thứ 27 thành công của Cách mạng Tháng Mười.

Trong bài diễn văn của mình, người đứng đầu Nhà nước và quân đội Liên Xô nói: “Nhân dân Liên Xô và Hồng quân đã thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đặt ra với chúng ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Từ nay và vĩnh viễn sau này non sông gấm vóc của chúng ta đã thoát khỏi sự chiếm đóng của bọn Hitler. Bây giờ đối với chúng ta chỉ còn một sứ mệnh tất yếu cuối cùng: Cùng với quân đội các nước Đồng minh đập tan những đạo quân của chủ nghĩa phát xít, dồn con thú này tới bước đường cùng và cắm ngọn cờ Chiến thắng trên hang ổ của chúng”.

Lời phát biểu của Stalin chính là thời điểm khai sinh Lá cờ Chiến thắng. Quả thật là vào tháng 10/1944, ai cũng thấy rõ cuộc Chiến tranh Vệ quốc đã bước vào giai đoạn quyết định. Chắc hẳn Stalin đã nghĩ đến một biểu tượng nào đó thể hiện chiến thắng. Nhưng Stalin chỉ nói những câu chung chung như trên mà thôi.

Không ai dám hỏi lại ông về những chi tiết của Lá cờ Chiến thắng mà ông đề cập đến. Tuy nhiên, Nhà máy May thêu số 7 ở Moskva đã nhận được đơn đặt hàng may Lá cờ Chiến thắng. 

Lá cờ đó ở chính giữa là hình Quốc huy Liên Xô, bên trên hình Quốc huy là hình Huân chương “Chiến thắng” còn phía dưới là dòng chữ: “Sự nghiệp của chúng ta là chính nghĩa – chúng ta nhất định chiến thắng”.

Các nhà du hành vũ trụ Liên bang Nga kỷ niệm Ngày Chiến thắng trên Vũ trụ với một phiên bản của Lá cờ Chiến thắng

Thực hiện chỉ thị đó của I.Stalin, ngày 9-4-1945, trong cuộc Hội nghị những người làm công tác chính trị của các tập đoàn quân thuộc Phương diện quân Belorussia đã thông qua một quyết định: Để tiến về Berlin mỗi tập đoàn quân cần chuẩn bị những lá cờ đỏ mang hình búa liềm để sẵn sàng cắm trên nóc nhà Quốc hội Đức.

Trên hướng tấn công chủ yếu, tập đoàn quân số 3 - đơn vị mũi nhọn đã chuẩn bị 9 lá cờ cho 9 sư đoàn của đơn vị.

...Tới lá cờ bằng vải nhẹ thay cho lá cờ bằng nhung đỏ

Trưởng ban chính trị của tập đoàn quân số 3 này là Fedor Lisisyn được giao nhiệm vụ chuẩn bị những lá cờ trên. Khỏi phải nói được sự vui mừng và tự hào của ông khi được giao nhiệm vụ này. Tuy nhiên khi có nhiều ý kiến nói rằng những lá cờ trên cần phải được làm bằng vải nhung cho đẹp và sang trọng, ông đã phản đối.

Lá cờ đỏ Chiến thắng đi trước Quốc kỳ Liên bang Nga trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít (9/5/2015)

Bởi vì, đánh giá về mức độ ác liệt của chiến tranh khi tấn công một tòa nhà lớn được phòng ngự chắc chắn như tòa nhà Quốc hội Đức, một lá cờ nặng bằng nhung sẽ cản trở các chiến sĩ trong tác chiến rất nhiều. Yêu cầu hàng đầu là lá cờ phải nhẹ. Cuối cùng, ông đã quyết định may tất cả 9 lá cờ bằng vải đỏ thông thường lấy mẫu là quốc kỳ Liên bang Xô Viết. Mọi việc nhanh chóng được triển khai.

Để phân biệt 9 lá cờ giống hệt nhau trên mỗi cán cờ đều đánh dấu bằng một con số riêng. Và lá cờ số 5 đã được lịch sử chọn là Lá cờ Chiến thắng. Thiếu tướng V.Shatilov, chỉ huy Sư đoàn Bộ binh số 150 đã chính thức nhận lá cờ này tại khu vực Karlov (ngoại ô Berlin).

Lá cờ đỏ chiến thắng một mình dẫn đầu hàng quân trong dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng phát xít (9/5/2005)

Câu hỏi vì sao ngọn cờ Chiến thắng được quyết định sẽ cắm trên mái vòm cao nhất của tòa nhà Quốc hội Đức tại Berlin? Có nhiều lời giải thích lý do. Nhưng có lẽ vì chính chế độ độc tài của Hitler đã ra đời sau vụ đốt cháy tòa nhà Quốc hội này tháng 2-1933.

Lá cờ chiến thắng được “cắm” sớm hơn nửa ngày so với thực tế chiến trường...

Chiều 30/4/1945, Đài Phát thanh Liên Xô và tiếp đó là Đài Phát thanh các nước khác đưa tin: "Vào lúc 14h25’, Lá cờ Chiến thắng đã phấp phới bay trên đỉnh trụ sở Quốc hội phát xít".

Nhưng thật ra vào thời điểm đó chưa có một chiến sĩ Xôviết nào tiến vào trụ sở Quốc hội. Sở dĩ như vậy là vì Ban Chỉ huy Sư đoàn Bộ binh Số 150 quá nôn nóng thông báo về “chiến tích” của mình. Khi Ban Chỉ huy tối cao kiểm tra và biết được sự thật thì đã không thể thay đổi được nữa và thông báo nói trên cứ thế mà lan rộng.

Các đạo quân Xô Viết tiến gần đến tòa nhà Quốc hội Đức vào ngày 29-4. Nơi đây được cố thủ bởi những đơn vị S.S cuồng tín, kể cả những tên lính lê dương tình nguyện được tuyển từ nhiều nước. Chúng chống trả một cách điên cuồng.

Ngày 30-4, hai sư đoàn bộ binh 171 và 150 nổ súng tấn công bọn lính Đức cố thủ tại tòa nhà Quốc hội. Cuộc tấn công vào lúc buổi sáng không thành công.

Một nhóm các chiến sĩ Hồng quân mang ngọn cờ đỏ đã đặt chân được tới mặt chính của tòa nhà. Nhưng phải đợi tới cuộc tấn công vào buổi chiều ngày 30-4 các chiến sĩ Hồng quân mới đột nhập được vào phía bên trong tòa nhà.

Toàn cảnh Lễ duyệt binh mừng chiến thắng năm 1945.

Một nhóm sĩ quan, chiến sĩ của Sư đoàn Bộ binh 150 nhận được lệnh mang ngọn cờ Chiến thắng lên cắm trên mái vòm tòa nhà Quốc hội Đức. Họ gồm trung úy Aleksei Beres, trung sĩ Mikhail Egorov và hạ sĩ Meliton Kantari.

Nhóm mang cờ được sự chi viện hỏa lực áp chế bởi khẩu tiểu liên trong tay thượng sĩ Ilia Sianov. Tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan trong nhóm người cắm cờ sau này đều được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Liên Xô.

Có một sự thật không phải mọi người đều đã biết: Ngọn cờ Chiến thắng được trao để cắm trên tòa nhà Quốc hội Đức hoàn toàn giống những ngọn cờ của các sư đoàn khác, tuyệt nhiên không ghi một dòng chữ.

Những ngày sau, khi lá cờ này rời khỏi mái vòm tòa nhà Quốc hội Đức, nó được trao cho Ban tham mưu Trung đoàn bộ binh 756 thuộc Sư đoàn 150 giữ.

Và ngày 19-6-1945, vài ngày trước khi ngọn cờ Chiến thắng được chuyển về Moskva, nó được viết thêm một hàng chữ bằng sơn trắng: “Sư đoàn bộ binh 150 - đơn vị được tặng thưởng Huân chương Cutuzov hạng II”.

Sự thật là mãi đến 22h40’, 5 chiến sĩ thuộc Sư đoàn Bộ binh số 171 gồm Đại úy Vladimir Makov, 3 thượng sĩ Aleksei Bobrov, Gazi Gazitov và Aleksandr Lisimenko cùng Trung sĩ Mikhain Mimin mới cắm lá cờ của mình vào mặt tiền trụ sở Quốc hội phát xít. Vậy tại sao lá cờ này không được coi là Lá cờ Chiến thắng? Đó là vì khi trao 9 lá cờ cho 9 sư đoàn, Ban Chỉ huy Tập đoàn quân Số 3 đã nói rõ: Chỉ lá cờ nào cắm trên nóc trụ sở Quốc hội phát xít mới được công nhận là Lá cờ Chiến thắng.

Lá cờ đỏ chiến thắng một mình dẫn đầu hàng quân trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng phát xít (9/5/1995)

Vào khoảng 3 giờ đêm - tức là 12 tiếng đồng hồ sau thông báo của Đài Phát thanh Xôviết - các thượng sĩ Mikhail Egorov và Meliton Kantaria cùng Chính trị viên - Trung úy Aleksei Berest mới cắm lá cờ của mình lên nóc trụ sở Quốc hội phát xít. Nhưng đến ngày 8-5, cũng chính Egorov và Kataria lại gỡ Lá cờ Chiến thắng đi và thay bằng một lá cờ khác có hình búa liềm ở giữa.

Tới người thợ ảnh may mắn chụp được bức ảnh lá cờ chiến thắng trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức...

Ebgeni Khaldei ham mê ảnh khi còn trẻ - lúc 13 tuổi ông đã chụp tấm ảnh đầu tiên, đến 16 tuổi trở thành phóng viên ảnh. Khi được nhận vào Hãng thông tấn Liên Xô TASS, Khaldei được đi nhiều nơi trong nước, và theo hết cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại với chiếc máy ảnh bên mình.

Ông đã chụp ảnh cuộc Hội nghị các vị lãnh đạo quốc gia, sự thất bại của Nhật Bản ở Viễn Đông, ký biên bản đầu hàng của Đức, nhưng tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Cờ chiến thắng trên nhà Quốc hội Đức Reichstag”. 

Ông đến Berlin theo nhiệm vụ của tòa soạn. Ông mang theo trong túi 3 lá cờ đỏ do người bạn thợ may may giúp. Vải cờ, theo một giả thiết, Khaldei đã “mượn” trong nhà ăn của Hãng TASS vì ở đó có vải trải bàn màu đỏ; còn theo một chuyện huyền thoại khác – xin trong Ủy ban địa phương.

Lá cờ đầu tiên ông phóng viên cắm trên mái nhà sân bay Tempelgof , lá thứ hai gần chiếc xe trên cổng Brandenburg, còn lá cờ cuối cùng “trang trí” tòa nhà Quốc hội Reichstag.

Vì khoảnh khắc lịch sử lá cờ được cắm lên, Khaldei không có mặt, do đó ông quyết định dựng lại một số cảnh làm phóng sự ảnh. Khi có mặt tại đây, chiến tranh đã im ắng từ lâu và trên tòa nhà Quốc hội Đức cũng có nhiều cờ. Nhưng dù sao cũng phải có ảnh. Evgeni Khaldei đề nghị những chiến sĩ ông gặp đầu tiên giúp đỡ ông: leo lên nóc tòa nhà cắm lá cờ đỏ búa liềm và đứng tạo dáng! Họ đồng ý, phóng viên chuẩn bị máy ảnh và 2 cuộn phim.

Đóng vai trong ảnh là các chiến sĩ quân đoàn cận vệ số 8: Alekxei Kovaliov (cắm cờ), Abdulkhakim Ixmailov và Leonid Goritrev (các trợ thủ). Sau khi chụp ảnh xong, phóng viên lấy cờ đem về và mang ảnh đến tòa soạn.

Theo lời con gái Evgeni Khaldei, trong Hãng TASS, mọi người đón nhận bức ảnh hồi hộp, xúc động như đón một vật hết sức linh thiêng.

Mặc dù gặp bao nhiêu trắc trở, cuối cùng ảnh cũng được xuất bản. Nó lập tức trở thành biểu tượng chiến thắng của Liên Xô. Còn ông Khaldei tiếp tục thăng tiến trong sự nghiệp phóng viên của mình.

Năm 1996, Tổng thống Boris Eltxin phong tặng tất cả những người tham gia chụp ảnh kỷ niệm đó danh hiệu Anh hùng nước Nga. Cho tới ngày hôm nay, không có người chiến sỹ nào tham gia chụp bức ảnh lịch sử ấy còn sống...

Vì sao Lá cờ chiến thắng không tham gia lễ duyệt binh chiến thắng năm 1945...

Ngày 19/6/1945, Stalin ra lệnh đưa Lá cờ Chiến thắng về Moskva để tham gia lễ duyệt binh chiến thắng. Sáng ngày 20/6, Egorov, Kantaria và một số chiến sĩ đã tham gia cuộc tấn công vào trụ sở Quốc hội phát xít cùng Lá cờ Chiến thắng (lá cờ có hình búa liềm ở giữa) rời sân bay Berlin về Moskva. Nhưng Lá cờ Chiến thắng lại không tham gia lễ duyệt binh lịch sử ngày 24/6.

Có nhiều giả thuyết được đưa ra. Một giả thuyết cho rằng vì lá cờ trông quá đơn giản, không có vẻ “chiến thắng”, không giống như lá cờ mà người ta đã quen nhìn thấy trên báo chí (lá cờ có hình búa liềm ở góc trên bên trái).

Giả thuyết thứ hai là theo kịch bản Lễ Duyệt binh thì Egorov và Kantaria phải mang Lá cờ Chiến thắng đi đầu, nhưng trong buổi Tổng diễn tập mới thấy họ không quen đi đứng theo kiểu duyệt binh.

Kết quả là mọi người nhận được thông báo: Lá cờ Chiến thắng sẽ không tham gia Lễ Duyệt binh Chiến thắng. Tất cả các chiến sĩ đưa Lá cờ Chiến thắng về Moskva đều theo dõi cuộc duyệt binh từ trên lễ đài.

Búa liềm và ngôi sao sẽ mãi mãi nằm trên Lá cờ chiến thắng...

Ngọn cờ Chiến thắng “bản gốc” ngày hôm nay đã được lưu giữ trang trọng và trở thành một trong những hiện vật quý giá nhất trong bảo tàng lịch sử Quân sự Liên bang Nga. Người ta đã chế tác một lá cờ khác bằng vải nhung dành cho các cuộc diễu binh vào ngày Lễ mừng Chiến thắng 9/5 hàng năm trên Quảng trường Đỏ.

Ngày 7/5/2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký đạo luật "Về lá cờ Chiến thắng" được Duma quốc gia thông qua ngày 25/4 và được Hội đồng Liên bang phê chuẩn ngày 4/5.

Theo đạo luật này, "Lá cờ Chiến thắng" là lá cờ của Sư đoàn Bộ binh 150 đã được cắm lên nóc trụ sở Quốc hội nước Đức phát xít vào ngày 1/5/1945. Lá cờ màu đỏ, ở góc trên bên trái có hình búa liềm màu vàng và ngôi sao màu trắng.

Trong những năm trước đây, có nhiều ý kiến cho rằng phải bỏ hình búa và liềm trên lá cờ, sau là đòi bỏ hình ngôi sao. Nhưng Tổng thống Nga V.Putin đã bác bỏ hoàn toàn những ý kiến trên.

Và kể từ đó cho tới ngày hôm nay, Ngọn cờ Chiến thắng vẫn luôn mang đúng màu sắc, hình vẽ của bản gốc và được giương cao trong dịp Đại lễ mừng chiến thắng phát xít ngày 9-5 hàng năm. Thậm chí trong dịp kỷ niệm những năm chẵn (50 năm: 1995, 60 năm: 2005 và 70 năm: 2015) ngày chiến thắng phát xít, Lá cờ đỏ chiến thắng đều được dẫn dầu hàng quân danh dự trong Lễ duyệt binh và đi trước cả Quốc kỳ Liên bang Nga...