Huyền thiêng Côn Đảo

(ANTĐ) - Ngoài một Côn Đảo nơi đầu sóng ngọn gió, một Côn Đảo với số dân đang sinh sống ít hơn số tù nhân đã hy sinh trong thời kỳ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chiếm đóng, Côn Đảo nơi chúng tôi có dịp ghé thăm vào những ngày cuối tháng 6 này còn nhiều điều bí ẩn.

Bài 1: Ba tấm bia trên mộ chị Sáu

Phần mộ của liệt sỹ anh hùng Võ Thị Sáu 

 Phần mộ của liệt sỹ anh hùng Võ Thị Sáu  

Lược sử Côn Đảo tính từ 10h sáng 28- 11- 1861 (khi thực dân Pháp cắm cờ đánh dấu việc chiếm hữu đảo) đến nay, có 2 vị thần nữ được dân đảo suy tôn, thờ phụng là chị Võ Thị Sáu - Liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, và bà Phi Yến, thứ phi chúa Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh).Mộ chị Sáu nằm ở khu trung tâm nghĩa trang Hàng Dương, được người dân trên đảo gọi thật gần gũi với tên: mộ cô Sáu. Đó là quần thể kiến trúc đá xanh, đá trắng. Phía trước có 1 cây lê-ki-ma tuổi đời hàng chục năm, nhưng dáng vóc lại rất “trẻ”, với tán lá xanh mướt lũm chũm quả.

Phía “lưng” của phần mộ có 1 cây phượng - loài cây khá đặc trưng ở Côn Đảo - và 3 cây Hoàng Anh xum xuê, lá tốt um. Hơn nửa thế kỷ qua, mộ chị Sáu nằm ở nghĩa trang Hàng Dương và duy trì được tập tục rất lạ của người dân, là đến thắp nhang khi trời đất chuyển giao từ đêm sang ngày. Đồng Thị Hồng, nữ hướng dẫn viên Ban quản lý khu di tích Côn Đảo, từng không biết bao nhiêu lần nghe câu hỏi của du khách:“Vì sao chỉ đi thắp hương buổi đêm ở mộ chị Sáu” và cũng chỉ biết trả lời theo những kiến thức mà đồng nghiệp lớn tuổi truyền lại: “Bởi nghe người già nói, cô Sáu mất thiêng lắm. Đúng 12h đêm cô mới về”.

Mộ chị Sáu có lẽ là ngôi mộ duy nhất tôi từng gặp, bởi có đến 3 tấm bia ở phần trước và phần trung tâm của mộ. Mỗi tấm bia ấy là cả những giai thoại trung kiên, quật cường của người nữ Anh hùng lực lượng vũ trang vùng quê Đất Đỏ. Những tài liệu mà Ban quản lý khu di tích Côn Đảo thu thập được từ năm 1979 đến nay cho thấy, chị Sáu năm 12 tuổi đã đi theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1950, khi mới 15 tuổi, chị Sáu bị chính quyền Pháp bắt và bị tòa án binh Pháp kết án tử hình vào tháng 4-1951, vì đã ném lựu đạn tại chợ Đất, giết chết một cai tổng và gây thương tích cho 20 tên lính Pháp.

Sau gần 3 năm trải qua nhiều nhà tù, ngày 21-1-1952, chị Sáu bị đưa lên tàu đày ra Côn Đảo và bị bắn ngay sau đó 1 ngày. Người dân Côn Đảo truyền nhau rằng ngay sau khi chị Sáu hy sinh, những “chuyện lạ” đã liên tiếp diễn ra.

Đầu tiên là tên lính bắn phát súng cuối cùng trong đội thi hành án chị Sáu. Cả buổi chiều 22- 1 đến sáng hôm sau, y quỳ trước biển, chờ chuyến tàu đầu tiên cập đảo để nằng nặc xin về đất liền. Mấy ngày sau, lác đác trong đội thi hành án, có kẻ đang khỏe mạnh bỗng dưng lăn ra ốm liên miên. Lại có kẻ chết bất đắc kỳ tử.

Gương hy sinh dũng cảm của chị Sáu được những người bạn tù cảm phục, thương nhớ. Mỗi lần đi lao động ngang qua phần đất nơi thực dân Pháp chôn chị Sáu, những người bạn tù lại tìm cách nhặt một viên đá để lên, vừa đánh dấu vừa để tạo “nấm” cho phần mộ người con gái trung kiên. Một phiến đá trắng cũng đã được những người bạn tù của chị Sáu bí mật, kỳ công đục đẽo thành tấm bia mộ. Dấu ấn thời gian đậm nét nhất trong 3 tấm bia nơi phần mộ chị Sáu chính là tấm bia này.

Chính sách tàn ác của bọn cai trị trên Côn Đảo bộc lộ rõ qua một chiến dịch vô nhân đạo mang tên “chiến dịch thanh trừng bia mộ cộng sản”, với tâm điểm là nghĩa trang Hàng Dương bây giờ. Hàng loạt bia mộ của tù chính trị bị chúng tìm, đập phá. Song rất kỳ lạ, không tên nào dám phá bia mộ chị Sáu. Thanh minh năm 1973, thời chúa đảo Nguyễn Văn Vệ, tay chúa đảo đã quyết làm việc này. Cả dụ dỗ và đe nẹt, Vệ đã bắt được một tay thuộc hạ tên Sước phá bia mộ chị Sáu. Cây xà beng trên tay tên đồ tể vừa bung một nhát trúng ngang tấm bia, thì chính y đã trợn tròn mắt, miệng la hốt hoảng: “Chị Sáu về, chị Sáu về”, rồi vứt xà beng bỏ chạy. Đám lâu la đi theo Sước thấy vậy cũng ù té chuồn hết. Sáng sớm hôm sau, người ta thấy xác tên Sước nằm còng queo trên hòn đá lớn bên mép biển. Không ai rõ vì sao y chết, nhưng vết chém ngang tấm bia trên mộ chị Sáu vẫn còn đến hôm nay như một chứng tích huyền bí.

Năm 2005, sau khi khánh thành việc trùng tu mộ liệt sỹ anh hùng Võ Thị Sáu, Nhà nước ta đã lập tấm bia đá màu xanh, đặt ở vị trí trung tâm của mộ. Trước đó khá lâu, sau thời tấm bia bằng đá thô sơ do những người bạn tù lập, mộ chị Sáu có tấm bia thứ hai, do chính vợ chồng chúa đảo Côn Đảo tên là Tăng Tư Tự Sao lập. Vị Thiếu tá quân đội cộng hòa này vốn người gốc Hoa, cai trị Côn Đảo trong giai đoạn 1964 - 1965. Như những chúa đảo khác và nhiều quân nhân trên đảo, Tăng Tư Tự Sao đưa vợ con ra Côn Đảo sinh sống. Thời gian này, vợ chúa đảo biết được câu chuyện lan truyền về chị Võ Thị Sáu. Bà bàn với chồng, âm thầm trở về đất liền, thuê người tạc bia người con gái anh hùng mang ra đảo.

Đối với danh phận chúa đảo khi đó, việc tạc một tấm bia mộ là hết sức đơn giản. Nhưng tạc bia mộ chị Sáu lại không như vậy, bởi không thể một tay chúa đảo của thực dân cai trị lại đi tạc bia người chiến sỹ cộng sản. Nhưng vì cảm phục tấm gương hy sinh của chị Sáu, và cũng vì chiều vợ, Tăng Tư Tự Sao đã đồng ý. Bia tạc xong, phải chọn đến đêm mưa tầm tã, bà vợ của chúa đảo mới dám cho thuyền rời đất liền.

Rồi trực tiếp Tăng Tư Tự Sao đón vợ ở bến tàu Côn Đảo và đưa thẳng đến khu vực nghĩa trang Hàng Dương bây giờ. Trên tấm bia ấy, vợ chồng chúa đảo Tăng Tư đã kính cẩn xưng hô với chị Sáu là Liệt nữ…(còn nữa)

Một lý giải thú vị về câu ca “Gió đưa cây cải về trời”

Vị thần nữ thứ hai được người dân thờ phụng ở Côn Đảo là bà Phi Yến, thứ phi của chúa Nguyễn Ánh. Tương truyền năm 1783, Nguyễn Ánh thua quân Tây Sơn và bỏ chạy ra Côn Đảo. Biết chồng có ý định cầu người Pháp đánh quân Tây Sơn, bà Phi Yến khuyên can liền bị Nguyễn Ánh nổi giận, giam vào hang núi trên đảo.
Bị quân Tây Sơn dồn đuổi tiếp, Nguyễn Ánh bỏ chạy. Trên đường đi, nghe tiếng khóc đòi mẹ của Hoàng tử Hội An, Nguyễn Ánh đã thẳng tay ném cậu con trai xuống biển. Xác Hoàng tử Hội An trôi dạt vào làng Cổ Ống ở Côn Đảo, được người dân vớt, chôn cất tử tế và lập miếu thờ tên gọi “Thiếu gia miếu”.
Về phần bà Phi Yến, sau khi được cứu thoát khỏi hang đá đã tìm được đến phần mộ của con trai. Trải qua một vài biến cố, bà Phi Yến đã tự vẫn ở chân ngọn núi cao nhất Côn Đảo bây giờ, rồi được người dân lập miếu tên gọi “An Sơn Miếu”. Bà Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm; còn hoàng tử Hội An tên tục là hoàng tử Cải. Phải chăng, dân gian đã đúc kết câu chuyện bi thương trên thành câu ca dao: “Gió đưa cây Cải về trời/ Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”.
Hàng năm, ngày 18- 10 âm lịch, người dân Côn Đảo lại làm cỗ chay để tổ chức lễ giỗ cho bà Phi Yến - vị thần nữ của đảo.