Huy động hơn 100.000 tỷ đồng ở đâu để xây sân bay quốc tế Long Thành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, nếu được Chính phủ thông qua, doanh nghiệp này sẽ nỗ lực tối đa để có thể đẩy nhanh nhất tiến độ xây lắp, phấn đấu hoàn thành dự án sân bay quốc tế Long Thành vào năm 2025.

Hội đồng thẩm định Nhà nước vừa hoàn tất việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1. Theo báo cáo, tổng nhu cầu vốn để thực hiện đầu tư dự án là 102.489,3 tỷ đồng. So với tổng mức đầu tư trước đó, mức đầu tư này đã giảm 2.500 tỷ đồng.

Trong đó, dự án thành phần 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước) cần 293,3 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước của các cơ quan chủ quản công trình hoặc huy động vốn đầu tư đầu tư theo PPP trong trường hợp các cơ quan chủ quản công trình không bố trí được vốn.

Dự án thành phần 2 (các công trình phục vụ quản lý bay) do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) thực hiện, cần 3.176 tỷ đồng (trong đó 1.588 tỷ đồng vốn tự có và 1.588 tỷ đồng vốn huy động).

Được biết, theo Báo cáo tài chính riêng đã được kiểm toán cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019 của VATM, vốn chủ sở hữu là 3.807 tỷ đồng, nợ dài hạn là 187 tỷ đồng, trong đó đã đầu tư tài sản dài hạn là 1.325 tỷ đồng. Khả năng huy động vốn để đầu tư Dự án tại thời điểm ngày 31/12/2019 là 2.669 tỷ đồng, lớn hơn số vốn tự có để đầu tư thực hiện Dự án (1.588 tỷ đồng).

Phối cảnh nhà ga sân bay quốc tế Long Thành

Phối cảnh nhà ga sân bay quốc tế Long Thành

Với vốn huy động, VATM dự kiến vay thương mại bằng tiền đồng từ ngân hàng trong nước, lãi suất khoảng 11%/năm. Hiện tại, đã có ngân hàng Vietcombank và MB xác nhận sẽ cung cấp tín dụng cho VATM để thực hiện Dự án.

Dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không) do ACV thực hiện cần hơn 93 nghìn tỷ đồng (hơn 36,1 nghìn tỷ đồng vốn tự có và hơn 56,9 nghìn tỷ đồng vốn huy động).

Với ACV, vốn tự có của ACV đến từ hai nguồn. Thứ nhất là 29.225 tỷ đồng tiền mặt hiện có và dòng tiền tích lũy trong giai đoạn 2020 - 2025 dành riêng cho dự án là 6.877 tỷ đồng.

Qua xem xét Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019, ACV có vốn chủ sở hữu là 36.757 tỷ đồng, nợ dài hạn là 14.900 tỷ đồng, trong đó đã đầu tư tài sản dài hạn là 20.884 tỷ đồng. Khả năng huy động vốn dài hạn để đầu tư dự án tại thời điểm ngày 31/12/2019 là 30.773 tỷ đồng.

Khoản vốn vay (hơn 56,9 nghìn tỷ đồng) dự kiến được ACV huy động dưới nhiều hình thức như vay thương mại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế...

Hiện nay, 22 tổ chức đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin để trao đổi về dự án, trong đó 12 tổ chức đã ký biên bản ghi nhớ về mong muốn tài trợ cho dự án với tổng giá trị đề xuất hơn 143.000 tỷ đồng, nhiều hơn nhu cầu vốn cần huy động.

Cuối cùng, dự án thành phần 4 (các công trình dịch vụ) cần hơn 5.930 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động.

Bộ GTVT đã đánh giá và liên hệ thực tế tại các cảng hàng không lớn, cho thấy các doanh nghiệp ngành hàng không rất quan tâm và sẵn sàng đầu tư các công trình này vì có khả năng sinh lợi tốt. Do vậy, việc huy động vốn thông qua việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các công trình này là hoàn toàn khả thi.

Về thời gian, tiến độ thực hiện, các mốc thời gian chính thực hiện đầu tư, phân kỳ đầu tư, Hội đồng thẩm định nhà nước cho biết: Theo Báo cáo FS Dự án, dự kiến thời gian, tiến độ thực hiện Dự án từ năm 2020 - 2025 phù hợp với mốc thời gian tối đa theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 94.

Đại diện ACV cho biết, nếu được Chính phủ thông qua, ACV sẽ nỗ lực tối đa để có thể đẩy nhanh nhất tiến độ xây lắp, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025.

Cảng HKQT Long Thành được xây dựng đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Giai đoạn một sẽ đầu tư một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.