Huy động các lực lượng, phương tiện, đảm bảo sẵn sàng ứng phó với các tình huống về thiên tai, sự cố

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Ngày 30-1, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của lực lượng Công an nhân dân năm 2023; nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng CAND trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự

Trung tướng Lê Văn Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ Công an (Ban Chỉ đạo ƯPT)/BCA chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục BĐKH, Bộ Tài Nguyên và Môi trường; Đặng Thị Hương, đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công an; thành viên Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Năm 2023, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), phòng chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và phòng thủ dân sự (PTDS), qua đó phát huy vai trò nòng cốt, xung kích tuyến đầu của lực lượng Công an nhân dân trong công tác PCTT với tinh thần “Vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân hy sinh”.

Nổi bật, đã chủ động nắm, phân tích, dự báo tình hình để tham mưu với Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, ứng phó với BĐKH, PCTT, TKCN và PTDS. Huy động hàng chục nghìn lực lượng, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội nhân dân, các cấp, các ngành tham gia ứng phó với các tình huống sự cố, thiên tai. Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, hoạt động xử lý chất thải rắn và khí thải, khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sán; tập trung giải quyết vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông, hệ thống thủy lợi. Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, cứu nạn, cứu hộ (CNCH) tại Thổ Nhĩ Kỳ, góp phần thể hiện cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước Việt Nam với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế…

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến chủ trì, phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Lê Văn Tuyến chủ trì, phát biểu tại hội nghị.

Bộ Công an đã ban hành nhiều Công điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban, ứng trực quân số đảm bảo làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, y tế… giúp nhân dân và chính quyền địa phương, tham gia công tác ứng phó thiên tai, CNCH, khắc phục hậu quả. Lực lượng Công an mà nòng cốt là Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và CNCH các địa phương đã huy động 13.776 lượt phương tiện, 80.120 lượt cán bộ, chiến sỹ kịp thời tổ chức chữa cháy, CNCH 2.091 vụ cháy, tai nạn, sự cố; trực tiếp cứu được 589 người, tìm được 120 thi thể nạn nhân, cứu được tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã có 10 cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và CNCH bị thương.

Lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông; kịp thời triển khai các phương án phân luồng giao thông; chốt chặn tại các khu vực xung yếu, ngầm, trán, nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, không cho người và phương tiện lưu thông khi chưa bảo đảm an toàn... Lực lượng Cảnh sát cơ động đã huy động 2.490 lượt cán bộ, chiến sỹ cùng trang thiết bị, phương tiện kịp thời ra quân phối hợp, chính quyền và nhân dân các địa phương phòng chống, khắc phục hậu quả do mưa lũ, lũ quét gây ra, tìm kiếm người mất tích, tham gia chữa cháy rừng, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Hỗ trợ Công an các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, bão, lũ; cấp phát thuốc, hoá chất, trang thiết bị, phương tiện phòng, chống dịch bệnh cho hơn 300 lượt Công an các đơn vị, địa phương…

Đại tá Phạm Thanh Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP Hà Nội tham luận từ điểm cầu CATP

Đại tá Phạm Thanh Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP Hà Nội tham luận từ điểm cầu CATP

Trong chương trình của hội nghị, từ điểm cầu CATP Hà Nội, Đại tá Phạm Thanh Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP đã tham luận về công tác PCCC&CNCH. Những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn đưa đúc kết, là: Phải làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương thực hiện vai trò, chức năng quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật, nhất là các loại hình cơ sở thuộc danh mục do UBND phường, xã quản lý trên địa bàn.

Công an các đơn vị, thực hiện nghiêm túc,công tác điều tra cơ bản, phân loại, thường xuyên cập nhật danh sách cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước theo địa bàn, lĩnh vực và theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.Đối với cơ sở, công trình, loại hình kinh doanh, sản xuất có nguy cơ cháy, nổ cao, lực lượng Cảnh sát PCCC phải tập trung công tác kiểm tra, đôn đốc, cương quyết xử lý Chủ đầu tư, chủ cơ sở, người dân khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Trên cơ sở đặc điểm của từng loại hình cơ sở, xây dựng ngay phương án chữa cháy, phương án CNCH; phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã, lực lượng dân phòng, Tổ liên gia và 100% người dân sinh sống trong công trình để tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH...

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến biểu dương những kết quả quan trọng mà Công an các đơn vị, địa phương đã đạt được trong công tác ứng phó với BĐKH, PCTT, TKCN và PTDS thời gian qua.

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến đề nghị Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, cụ thể hoá các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH, PCTT, TKCN và PTDS cho phù hợp với tình hình của ngành Công an. Chủ động nắm chắc tình hình để làm tốt tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương trong xây dựng các phương án, kế hoạch, kịch bản, huy động các lực lượng, phương tiện, điều kiện đảm bảo sẵn sàng ứng phó với các tình huống về thiên tai, sự cố, BĐKH, phòng chống dịch bệnh, tìm kiếm CNCH đảm bảo đúng nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả”, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến cùng các đại biểu dự Hội nghị.
Thứ trưởng Lê Văn Tuyến cùng các đại biểu dự Hội nghị.

Rà soát, đề xuất, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, các ngành bổ sung các quy định liên quan đến lĩnh vực ứng phó với BĐKH, PCTT, TKCN và PTDS. Tiếp tục rà soát, kiện toàn các Ban chỉ đạo và phân công rõ nhiệm vụ thành viên Ban chỉ đạo các cấp. Tăng cường tổ chức tập huấn, kỹ năng ứng phó sự cố, sơ cứu cho lực lượng trực tiếp tham gia, lực lượng Công an cơ sở; đồng thời tổ chức diễn tập phải sát với tình hình thực tiễn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ, chiến sỹ Công an và người dân trong việc xác định vai trò, trách nhiệm là lực lượng nòng cốt trong việc chủ động ứng phó với BĐKH, PCTT, TKCN và PTDS. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ; thực hiện tốt công tác ứng trực, xử lý tình huống, thường xuyên rà soát các phương án, tình huống; đẩy mạnh tăng cường trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm CNCH; chủ động tham gia các hoạt động CNCH quốc tế khi có sự cố xảy ra trên các khu vực và quốc tế…