Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

(ANTĐ) - Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) thành phố Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 5-2011, nguồn kinh phí bố trí thực hiện xây dựng NTM cho 19 xã được lựa chọn là hơn 770 tỷ đồng. Tuy vậy, tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch NTM ở các huyện còn chậm, lãnh đạo nhiều địa phương và nông dân còn có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào chỉ đạo, ngân sách của TP.

Thu hoạch lúa tại Thanh Trì, Hà Nội

Ông Hoàng Thanh Vân - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, tại xã điểm Thụy Hương (Chương Mỹ) qua 2 năm thực hiện còn 4/19 tiêu chí chưa đạt. Bên cạnh đó, 3 xã điểm được UBND TP lựa chọn tiến độ rất chậm, các dự án liên quan tới sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, việc làm nông dân gặp khó khăn… Ngoài ra, 15 xã điểm của các huyện, thị, xã tiến độ chậm kể từ khâu lập, phê duyệt dự án.

Nhận định về tiến độ xây dựng NTM trong thời gian qua, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái cho rằng, công cuộc xây dựng NTM đang mang lại những thay đổi rõ nét, nhất là những xã được chọn làm điểm. Song, hiện nhiều địa phương vẫn chỉ chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, bỏ quên vai trò của nông dân trong xây dựng, giữ gìn nếp sống văn hóa, môi trường, an ninh trật tự. “Nhận thức của một bộ phận cấp ủy, chính quyền và nông dân về NTM vẫn còn mờ nhạt. Trong khi, đầu tư vào NTM còn dàn trải, không chọn được trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là không chú trọng đầu tư vào vùng sản xuất, phục vụ sản xuất, do đó, kết quả chưa cao”, Phó Bí thư nhận định.

Để khắc phục những hạn chế trong thời gian tới, hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM trên địa bàn TP, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu phải huy động được toàn bộ hệ thống chính trị, từ các sở, ngành đến địa phương, đoàn thể phải vào cuộc: “Trong thời gian tới, TP sẽ hợp nhất 3 BCĐ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thành BCĐ phát triển nông nghiệp xây dựng NTM và nâng cao đời sống nông dân. Các huyện, thị xã cũng phải thành lập do chủ tịch hoặc bí thư huyện làm trưởng ban. Tại cấp xã, Ban quản lý sẽ do chủ tịch xã làm trưởng ban”.